Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, không còn con đường nào khác là việc phải rõ, người phải đúng, thể chế vận hành hợp lý, hiệu quả.
Ngày 19/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Trong nhiều giải pháp nghị quyết đưa ra, có giải pháp tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, năng lực, giảm số lượng, nâng cao chất lượng có cơ chế cạnh tranh.
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc (Ảnh: VNexpress) |
Ngoài việc muốn tinh giản biên chế công chức, giải pháp bỏ chế độ biên chế suốt đời đã được nhắc đến nhiều năm nay với mục tiêu giảm gánh nặng ngân sách đối với số lượng công chức khổng lồ. Nguyên nhân nào dẫn đến người làm công ăn lương muốn gắn bó cả đời với biên chế nhà nước? Vì sao phải bỏ biên chế suốt đời? và những vấn đề gì cần giải quyết khi biên chế không còn là cái đích cần phải nhắm tới đối với cán bộ nhà nước? Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV trao đổi với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
PV:Đầu năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đưa ra con số hơn 57.000 biên chế dư thừa trong các cơ quan nhà nước. Ông bình luận gì về con số có thể nói khủng này?
Ông Thang Văn Phúc: Đây là còn số thực sự đáng lo lắng, vì số biên chế của chúng ta chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 20% tổng số công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, từ cấp huyện trở lên. Con số này cũng không phải bây giờ mới đưa ra mà cách đây 10 năm trong cuộc điều tra về cán bộ, công chức, viên chức cả nước, Bộ Nội vụ xác định khoảng 30% cán bộ công chức, viên chức của chúng ta làm việc không hiệu quả, không đáp ứng được những yêu cầu của thay đổi hiện nay.
PV: Có thể nói, có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thì năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Phải chăng con số này cũng là một trong những nguyên nhân?
Ông Thang Văn Phúc: Theo tôi, đây là một yếu tố, một nguyên nhân chứ không phải là nguyên nhân quyết định. Chúng ta đang chuyển sang quản trị về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với yêu cầu cao của đổi mới công nghệ. Chính những công nghệ mới, những công nghệ mà chúng ta đang tiếp cận hiện nay mới quyết định năng suất, chất lượng lao động. Còn nếu chúng ta vẫn duy trì đội ngũ cũ, không đáp ứng được yêu cầu, chúng ta vẫn nằm trong tình trạng của một nước có năng suất thấp không chỉ trong khu vực mà cả thế giới.
PV: Ông vừa nói đến yếu kém trong quản trị nền hành chính dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp nhất trong khu vực. Với người từng giữ vị trí quan trọng trong ngành Nội vụ ông nghĩ gì khi so sánh cơ chế biên chế của Việt Nam với việc tuyển chọn và sử dụng công chức, viên chức của một số nước trên khu vực và thế giới?
Ông Thang Văn Phúc: Đây là thách thức và cũng là đòi hỏi của mục tiêu cải cách nền hành chính của chúng ta nhằm tạo ra nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tạo lập một chính quyền kiến tạo cho sự phát triển mới. Tính ra Luật Cán bộ công chức năm 2008 ban hành, năm 2010 chúng ta đã có thay đổi. Thực sự, đây là những đòi hỏi để chuyển từ nền công vụ theo chức nghiệp, tức là theo biên chế suốt đời sang nền công vụ vị trí việc làm. Như vậy, chế độ công vụ hiện đại bắt đầu có những chuyển động tích cực. Theo tôi, việc lựa chọn những công chức tốt, tài năng, mới có thể đáp ứng được sự thay đổi trong thể chế kinh tế thị trường và những thể chế quản lý mới. Có một thực tế, việc chuyển đổi này từ trước đến nay rất chậm. Và sự chậm trễ này dẫn đến nhiều bức xúc trên nhiều lĩnh vực. Điều đó, không chỉ đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, một ý chí mạnh mẽ của Thủ tướng, của Chính phủ mà còn của tổ chức Đảng.
PV: Ông có cho rằng, để xây dựng Chính phủ liêm chính thì việc loại bỏ cơ chế, biên chế suốt đời theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII là một tất yếu?
Ông Thang Văn Phúc: Tôi cho rằng đấy là một xu hướng trúng, và đó là xu hướng thế giới làm từ đầu những năm 2000. Để xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, chúng ta không còn con đường nào khác là việc phải rõ, người phải đúng, thể chế vận hành hợp lý, hiệu quả. Hiện nay, chúng ta còn rất nhiều công việc không phù hợp, vẫn hình thức, mit tinh quá nhiều,… Bây giờ, ta nên dành vào những công việc thiết thực hơn, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước hết là nguồn nhân lực công, trong đó, có nguồn nhân lực chung để có năng suất, chất lượng lao động hiệu quả. Qua đó, đáp ứng yêu cầu của hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
PV:Để thực hiện chủ trương “bỏ biên chế suốt đời” như nghị quyết trung ương 7 khóa XII đề ra, theo ông chúng ta cần lưu tâm và thực hiên đồng bộ các giải pháp như thế nào?
Ông Thang Văn Phúc: Nhận thức, quan điểm chỉ đạo phải rõ,…Phải có bộ phận người chịu trách nhiệm để chỉ đạo việc này chứ không thể chung chung. Cái gì cũng tập thể thì rất khó. Chúng ta có rất nhiều vấn đề rất mới, sáng tạo, phát hiện rất sớm nhưng làm rất chậm chạp và không hiệu quả, đầu voi đuôi chuột. Kỳ này chúng ta có những điều, có thể coi là cải cách trong tư tưởng thì cần phải có bước đi.
Tôi nghĩ, trong chương trình 2020-2035 chúng ta thực hiện được thể chế công vụ mới cũng là điều mừng. Thực tế, đến năm 2020 chúng ta xác định được mức độ, hệ thống vị trí việc làm trong từng cơ quan một cách chính xác, hợp lý thì đó mới là cơ sở cho việc thực thi chế độ công vụ mới là không có biên chế như hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV (VOV)