Pháp luật

Tin tức

Bộ Công an đề xuất giải pháp xử lý tội phạm xảy ra tại VEC

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Công an đề xuất Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, thành lập hội đồng, lập dự án nghiên cứu xây dựng giải pháp, tính toán chi phí khắc phục sửa chữa triệt để cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để có căn cứ xử lý người phạm tội theo đúng pháp luật.
Như Dân Việt đã thông tin, Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Cụ thể, kết quả điều tra cho thấy, có đủ căn cứ xác định quá trình thực hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, mặc dù là công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ ra chủ trương đầu tư, Bộ GTVT ký quyết định đầu tư, có kinh phí rất lớn là 34,5 nghìn tỷ đồng nhưng quá trình thực hiện thi công xây dựng, Chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định về pháp luật gây hư hỏng nghiêm trọng, không đảm bảo chất lượng.
 
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống cấp.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trong báo cáo số 893/BAC-C03 của Bộ Công an do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương ký, gửi Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: "Tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án trọng điểm, đạt tiêu chuẩn cao tốc vừa thông xe đã hỏng là không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án".
"Bộ công an chỉ rõ đây là trách nhiệm của Chủ đầu tư VEC, ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát…", Văn bản của Bộ Công an nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Công an, bên cạnh việc khởi tố một số đối tượng tại dự án với hành các dấu hiệu phạm tội về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 298 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Bộ Công an cũng có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu nguyên nhân, giải pháp khắc phục sửa chữa cao tốc.
Sau đó, Bộ Giao thông lại giao cho chính VEC nghiên cứu thực sửa chữa. Tuy nhiên, căn cứ vào năng lực đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ, Bộ Công an thấy Tổng Công ty VEC không đáp ứng được yêu cầu.
Để có căn cứ làm bằng chứng xử lý người phạm tội, đảm bảo tính pháp lý, Bộ Công an đề xuất Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, thành lập hội đồng, lập dự án nghiên cứu xây dựng giải pháp, tính toán chi phí khắc phục sửa chữa triệt để, đúng quy trình.
"Trên cơ sở đó, Cơ quản cảnh sát điều tra Bộ Công an có căn cứ đánh giá đúng tính chất, mức độ của tội phạm và người phạm tội để xử lý theo đúng pháp luật", văn bản của Bộ Công an nêu rõ.
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư tổ chức khởi công ngày 19/5/2013. Dự án có tổng chiều dài 139,52km, chia thành 13 gói thầu xây lắp; trong đó, có 8 gói thầu thuộc phần vốn JICA tài trợ và 5 gói thầu thuộc phần vốn WB tài trợ.
Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế Việt Nam - Lào – Campuchia qua hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam. Bên cạnh đó, tuyến đường còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân trong khu vực thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 2.9/2018. Sau khi được đưa vào khai thác, cao tốc này xuất hiện nhiều sự cố, đặc biệt, sau mỗi đợt mưa lớn đầu tháng 10/2018, mặt đường đoạn từ Km 0 - Km 65 xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, ổ gà.
Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân, đến tháng 6/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Đến nay đã khởi tố, bắt tạm giam 9 bị can, gồm: Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7; Phạm Đình Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 5; Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 7; Phan Khánh Toàn, cựu Giám đốc gói thầu số 4; Phan Ngọc Thơm, Phó giám đốc gói thầu số 2 và 3B; Vũ Như Khuê, cựu Giám đốc gói thầu số 1; Quản Trọng Tuấn, cựu Giám đốc gói thầu 3B và Nguyễn Quốc Hải, cựu Giám đốc gói thầu số 6.
Trong hai ngày 27 và 28/4/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ 44 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận chỉ ra vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các cá nhân lãnh đạo vi phạm Quy chế làm việc và các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, để nội bộ Lãnh đạo mất đoàn kết nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và trong quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, ông Mai Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và đồng chí Trần Quốc Việt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy.
Cùng với đó là ông Trần Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, đồng chí Nguyễn Văn Nhi, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc và đồng chí Lê Quang Hào, Đảng ủy viên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các ông nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tổng Công ty, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Thế Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm