Kinh tế

Tài chính

Bộ Công an vào cuộc đấu tranh hành vi trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

"Việc các đối tượng thanh toán qua các cổng thanh toán quốc tế nhằm trốn thuế… ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tiền tệ, sự hoạt động lành mạnh của tài chính ngân hàng trong nước" - Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết.


Bộ Công an vào cuộc

Sau khi có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho hay, phía Bộ vừa qua đã nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về việc kiểm tra vấn đề Báo nêu, nghiên cứu sớm có biện pháp quản lý tình trạng giao dịch tài chính bất hợp pháp, trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế hoạt động trái pháp luật.

Bộ Công an đã truyền đạt lại ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về việc trên tới các đơn vị nghiệp vụ như: Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ.

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo xuống Công an các địa phương cùng vào cuộc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình. Theo đó, các đơn vị trong ngành nghiên cứu biện pháp, triển khai.

 

Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ đã truyền đạt lại ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về tới các đơn vị nghiệp vụ để làm rõ thông tin Báo Lao Động đã nêu. Ảnh H.Lam
Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ đã truyền đạt lại ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về tới các đơn vị nghiệp vụ để làm rõ thông tin Báo Lao Động đã nêu. Ảnh H.Lam


Theo Tướng Tô Ân Xô, an ninh kinh tế được Bộ trưởng Công an xác định là trọng điểm, hàng đầu. Hiện tại có hiện tượng các băng nhóm tội phạm hình sự liên kết với tội phạm về kinh tế để hoạt động dưới vỏ bọc công ty, doanh nghiệp. Nhiều đối tượng hình sự sau khi tuyên bố "rửa tay, gác kiếm" song thực tế họ vẫn lập công ty để hoạt động phi pháp.

Còn Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, việc các đối tượng thanh toán qua các cổng thanh toán quốc tế nhằm trốn thuế… ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tiền tệ, sự hoạt động lành mạnh của tài chính ngân hàng trong nước.

Ngoài ra, việc chuyển tiền qua cổng thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ còn ảnh hưởng đến việc quản lý dòng ngoại hối của Việt Nam.

Tướng Hà cho biết, qua các vụ án Cục Cảnh sát hình sự điều tra như đánh bạc trên mạng Internet, có máy chủ đặt tại nước ngoài có dấu hiệu rõ việc thanh toán, chuyển khoản hoặc có những đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chúng chuyển qua hệ thống thanh toán quốc tế, Internet Banking… rồi các đối tượng này rút tiền ở nước ngoài.

Ông Hà nhấn mạnh hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của thanh toán điện tử, còn gây thiệt hại kinh tế; ngoài ảnh hưởng đến an ninh kinh tế còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Về biện pháp đấu tranh, ngăn chặn với hành vi trên, theo Tướng Hà, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là ngân hàng cần siết chặt các quy định về thanh toán quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phản hồi

Trước đó, Báo Lao Động đã đăng tải 7 kỳ phóng sự điều tra liên quan đến cổng thanh toán quốc tế. Những biến tướng như trốn thuế, xoá dấu vết dòng tiền, thậm chí là rửa tiền qua các cổng thanh toán trực tuyến quốc tế hiện đang nở rộ tại Việt Nam.

Trong công văn số 249/VPCP-TTĐT của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình có ý kiến chỉ đạo giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra vấn đề Báo nêu, nghiên cứu sớm có biện pháp quản lý tình trạng giao dịch tài chính bất hợp pháp, trốn thuế cổng thanh toán quốc tế hoạt động trái pháp luật. Văn phòng Chính phủ thông báo để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ liên quan biết, thực hiện”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có phản hồi về sự việc trên.

Về phía Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng - cho biết, đối với việc trốn thuế qua các hình thức thanh toán, trước hết, cần kiểm tra xem việc thanh toán đó có được phép không.

“Hiện nay trong kinh tế số, tôi tin có những lĩnh vực chưa có trong quy định. Ví dụ, với Bitcoin hiện nay chưa có quy định nào cho phép thanh toán qua Bitcoin nhưng thực tế cộng đồng mạng vẫn tồn tại hiện tượng thanh toán qua Bitcoin. Tổng cục Thuế sẽ phải ngồi lại với Ngân hàng Nhà nước để bàn bạc. Hiện tại khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa có. Tổng cục Thuế sẽ trao đổi với các bên để yêu cầu cung cấp thông tin.

Tôi tin với sự tuyên truyền và vào cuộc của báo chí sẽ giúp người dân hiểu trách nhiệm đóng thuế. Những trường hợp trốn thuế là hành vi mà xã hội cần lên tiếng. Trách nhiệm tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của công dân và doanh nghiệp, không ai né tránh mãi được. Khi muốn làm ăn chân chính, bền vững cần tuân thủ pháp luật".

Cũng theo ông Minh, phía ngân hàng nên phối hợp với cơ quan thuế để cùng quản lý. Mặc dù tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế số, nhưng vẫn cần hành lang pháp lý để quản lý trong thời gian tới.

 

Trước đó, sáng ngày 12.1.2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 249/VPCP-TTĐT gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xử lý thông tin báo nêu sau loạt bài điều tra phản ánh do phóng viên Báo Lao Động thực hiện.

Cụ thể, Công văn 249 nêu rõ: “Trong tháng 12 năm 2020, Báo Lao Động có loạt bài điều tra phản ánh nhiều cổng thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer,... hiện vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng đang trở thành công cụ đắc lực cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp, rửa tiền, trốn tránh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của Nhà nước.


https://laodong.vn/kinh-te/bo-cong-an-vao-cuoc-dau-tranh-hanh-vi-tron-thue-qua-cong-thanh-toan-quoc-te-870893.ldo

Theo Việt Dũng - Lan Hương (LĐO)

Có thể bạn quan tâm