Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Bộ đội Biên phòng Gia Lai: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. 
Cứ mỗi sáng thứ bảy, già làng Rơ Châm Tích (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) lại cùng các cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến từng nhà để hỏi thăm công việc nương rẫy, rồi tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật; đấu tranh tố giác tội phạm và những người xuất-nhập cảnh trái phép; nhắc nhở các gia đình chăm lo lao động sản xuất. Ông cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mình và bộ đội Biên phòng cũng thường xuyên giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, người dân thêm tin tưởng, tích cực hỗ trợ lực lượng bộ đội Biên phòng trong hoạt động bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”.
Những năm qua, các đơn vị trên địa bàn biên giới của tỉnh đều triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới ngày càng được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tuyên truyền tập trung 105 buổi thu hút hơn 12 ngàn lượt người; tuyên truyền nhỏ lẻ hơn 8 ngàn lần cho hơn 23 ngàn lượt người. Đặc biệt, các đơn vị đã đa dạng hóa hình thức và đối tượng tuyên truyền, trong đó, tổ chức tuyên truyền đặc biệt 8 buổi với 10 đối tượng; tuyên truyền cá biệt 91 buổi với 111 đối tượng. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức 137 buổi giáo dục cảm hóa 169 thanh-thiếu niên hư.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) trao đổi về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ông Phạm Văn Cường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ-nhận xét: Thông qua nhiều hình thức khác nhau, các đơn vị đã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, xóa bỏ các hủ tục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên chậm tiến được quan tâm. Nhờ vậy, tỷ lệ người dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật ngày càng giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, các đơn vị duy trì thực hiện nghiêm túc “Ngày Pháp luật” và mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”. Vào thứ hai hàng tuần, các đơn vị dành thời gian từ 40 phút đến 60 phút để duy trì việc tìm hiểu, thảo luận, trả lời các câu hỏi của Tổ Tư vấn chính trị, pháp luật cấp tỉnh gửi xuống. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã duy trì được 193 buổi thảo luận với hơn 5 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, có 782 ý kiến phát biểu thảo luận, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, tại các đồn Biên phòng và UBND 7 xã biên giới cũng duy trì hoạt động của 30 ngăn sách, tủ sách pháp luật với tổng số 5.237 đầu sách; thường xuyên bổ sung các đầu sách mới cần thiết cũng như thực hiện thống kê, theo dõi, quản lý chặt chẽ, sắp xếp theo lĩnh vực đảm bảo thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và người dân. 
Trao đổi với P.V, Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trên địa bàn biên giới là nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ giúp người dân chấp hành tốt pháp luật mà còn là tai mắt của lực lượng Biên phòng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này”.   
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm