(GLO)- Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời cử tri Gia Lai về tăng cường chi đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Kiến nghị:
Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH-CN) có tăng theo từng năm (đạt 0,25-0,45% tổng chi ngân sách). Theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt mục tiêu chỉ đầu tư cho KH-CN đạt 2% tổng chi ngân sách vào năm 2020 thì tỷ lệ này còn khá thấp. Đề nghị Bộ KH-CN phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường chi đầu tư cho KH-CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KH-CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trả lời:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho KH-CN. Mặc dù, theo thông tin từ Bộ Tài chính thì chưa có cơ sở tổng hợp kinh phí từ ngân sách nhà nước bố trí cho KH-CN hàng năm và xác định tỷ lệ thực tế % tổng chi ngân sách nhà nước cho KH-CN so với tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định 2% của Nghị quyết số 20-NQ/TW và Luật KH-CN. Tuy nhiên, trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho hoạt động KH-CN vẫn được Quốc hội thông qua trung bình trong giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 0,79% tổng chi ngân sách nhà nước.
Tổng kinh phí sự nghiệp khoa học giai đoạn 2016-2020 là 59.529 tỷ đồng (không bao gồm vốn đầu tư phát triển cho KH-CN và chi cho dự phòng...). Như vậy bình quân mỗi năm, kinh phí chi cho sự nghiệp KH-CN từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ là 11.905 tỷ đồng.
Đầu tư cho KH-CN trong những năm qua đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp của xã hội, nhất là từ khu vực doanh nghiệp. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, ngân sách nhà nước chiếm khoảng 70% đến 80% tổng đầu tư cho KH-CN thì đến nay đầu tư cho KH-CN từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.
Trong đầu tư cho KH-CN, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển là một chỉ tiêu chính được sử dụng để đánh giá cường độ nghiên cứu và phát triển của một quốc gia. Qua điều tra gần đây nhất được thực hiện vào năm 2019 về nghiên cứu và phát triển cho thấy tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam năm 2019 là 32.102 tỷ đồng, bằng 0,53% GDP, trong đó ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ 28,6% tương đương khoảng 0,15% GDP. Tỷ lệ giữa tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển trên GDP đã liên tục tăng ổn định từ mức 0,44% năm 2015 lên 0,53% năm 2019 chủ yếu là nhờ có sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn có quy mô lớn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với một số nước ngay trong khu vực ASEAN thì tỷ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển trên GDP của Việt Nam còn rất khiêm tốn (tỷ lệ này của Singapore là 1,84%, Malaysia là 1,44%, Thái Lan là 0,78%). Do đó trong giai đoạn tới, để thực hiện chủ trương đưa KH-CN trở thành động lực để phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội, Việt Nam có các giải pháp tăng tỷ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển trên GDP. Việc này đòi hỏi những giải pháp để tăng phần tỷ trọng chi sự nghiệp KH-CN và chi đầu tư cho KH-CN trong tổng chi ngân sách nhà nước cho KH-CN cũng như cần có những giải pháp khơi thông nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN nói chung và cho nghiên cứu và phát triển nói riêng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ tổng hợp (Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để đề nghị Chính phủ quan tâm và bố trí kinh phí tăng thêm hơn nữa cho các địa phương, cố gắng bảo đảm theo đúng tinh thần của Luật KH-CN và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
GLO