Bạn đọc

Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời cử tri về ban hành bộ tiêu chí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời cử tri Gia Lai về ban hành bộ tiêu chí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Kiến nghị:
Đề nghị Bộ KH-CN ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả và sự phát huy hiệu quả các nhiệm vụ KH-CN (đề tài, dự án, chương trình); quy trình quản lý sau nghiên cứu và triển khai để có sự thống nhất trong thực hiện, quản lý.
Trả lời:
Đánh giá tác động nhằm xác định liệu các kết quả mà chương trình, đề tài, dự án hướng tới có ảnh hưởng hoặc tác động đến đời sống, sản xuất và có tiếp tục được phát huy hay không sau một thời gian nhất định kể từ khi chương trình, đề tài, dự án kết thúc. Đánh giá này tập trung vào việc xem xét mức độ mà tác động của chương trình, đề tài, dự án được mở rộng ra trong tương lai như thế nào. Mục đích của việc đánh giá tác động nhằm xem xét:
- Mức độ phù hợp về kết quả KH-CN mà đề tài, dự án, chương trình, hoặc chiến lược KH-CN có thể đem lại cho thực tế.
- Liệu các kết quả KH-CN có giúp đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội (ví dụ như tăng trưởng kinh tế hoặc các giải pháp đối với các vấn đề quan trọng như bảo vệ môi trường, sức khỏe, chất lượng cuộc sống).
- Liệu KH-CN có hiệu quả trong việc giúp phát triển kiến thức mới, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu mới và cải thiện công tác KH-CN của các tổ chức và doanh nghiệp không?
- Liệu hoạt động KH-CN và việc chuyển giao kết quả của hoạt động đó có được thực hiện hiệu quả nhằm tạo ra tác động tốt nhất có thể không?
Kết quả đánh giá tác động là cơ sở tin cậy giúp cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách và các đối tượng của chương trình, đề tài, dự án có được các thông tin quan trọng về tác động của chương trình, đề tài, dự án.
Từ 10 năm lại đây, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về đánh giá KH-CN, góp phần hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách KH-CN, Bộ KH-CN đã giao cho Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ nghiên cứu và phân tích các phương pháp luận về đánh giá chương trình được sử dụng ở một số quốc gia thuộc khối OECD, nghiên cứu sâu phương pháp luận của một số nước có trình độ đánh giá tiên tiến, lâu đời như Mỹ, Cộng hòa Liên bang Đức và một số nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc và trao đổi với chuyên gia quốc tế để nắm được cách mà họ đánh giá các chương trình KH-CN. Viện đã triển khai các đánh giá một số chương trình KH-CN trọng điểm cấp quốc gia, đưa ra các khuyến nghị về quản lý chương trình, góp phần hỗ trợ công tác tái cấu trúc các chương trình KH-CN quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Từ các kết quả bước đầu trên đây, trong thời gian tới Bộ KH-CN sẽ tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí về đánh giá các chương trình, nhiệm vụ KH-CN; hoàn thiện các hướng dẫn quản lý các kết quả nghiên cứu triển khai, ban hành trong thời gian tới.
GLO

Có thể bạn quan tâm