Kinh tế

Bỏ ngân hàng, về nuôi… trùn quế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ facebook, chỉ cần gõ cụm từ "trùn quế Gia Lai" trong mục tìm kiếm sẽ thấy hiển thị trang facebook TRÙN QUẾ GIA LAI do chàng thanh niên chưa tròn 30 tuổi Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) tạo lập.

Đây không chỉ là trang để Hòa giới thiệu thông tin về sản phẩm trùn quế mà còn là nơi để những người yêu thích và có nguyện vọng tham gia mô hình mới mẻ này trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Quyết định đánh đổi

Sinh năm 1990 tại vùng quê thuần nông của huyện Kbang nhưng nhờ cha mẹ là đại lý đầu tư, thu mua mía nên ngay từ nhỏ, thiên hướng đầu tư làm kinh tế đã định hình trong tư duy của Hòa. Năm 2013 khi vừa tốt nghiệp ngành Tài chính-Ngân hàng của Trường Đại học Bình Dương, dù may mắn trở thành nhân viên cho một chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Đồng Nai, Hòa vẫn trăn trở suy tính. Rồi chỉ hơn một năm sau, anh quyết tâm trở về quê hương, bắt tay lựa chọn cho mình một con đường khởi nghiệp, tạo lập cuộc đời mình.

 

Rau chùm ngây được bón bằng sản phẩm phân hữu cơ sau xử lý trùn quế tại trang trại của Nguyễn Văn Hòa. Ảnh L.H
Rau chùm ngây được bón bằng sản phẩm phân hữu cơ sau xử lý trùn quế tại trang trại của Nguyễn Văn Hòa. Ảnh L.H

“Nhìn ba mẹ và những người xung quanh chăn nuôi thấy chi phí đầu tư rất lớn, lại gây ô nhiễm môi trường, lắm lúc hàng xóm phàn nàn nên phiền lòng lắm. Mình suy nghĩ là tại sao không tìm một hướng đi nào đó với một nguồn thức ăn tự tạo, lại xử lý triệt để bài toán ô nhiễm môi trường? Đây chính là những điểm mấu chốt còn thiếu trong chuỗi làm kinh tế chăn nuôi”-Hòa chia sẻ. Từ trăn trở đó, cậu cử nhân kinh tế bắt tay dò dẫm lần tìm các mô hình trên mạng. Và rồi khi bắt gặp ý tưởng nuôi trùn quế để có nguồn phân hữu cơ, đồng thời tạo chuỗi thức ăn cho chăn nuôi, Hòa đã tìm ra con đường khởi nghiệp.

“Nuôi trùn quế vốn đầu tư không nhiều nhưng mình vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình. Nhìn mình đi thu gom từng thùng, từng bao tải phân bò, phân heo về để nuôi trùn, nhiều người ái ngại. Thấy ba mẹ buồn, lo lắng, bản thân mình càng phải quyết tâm hơn”-Hòa tâm sự.

Để bắt tay nuôi trùn quế, ngoài tận dụng nguồn phân gia súc nuôi trong gia đình, Hòa còn tìm mua thêm từ các hộ chăn nuôi lân cận hay các làng đồng bào dân tộc thiểu số quanh khu vực. “Con trùn quế được ví như một “nhà máy xử lý rác” rất hữu hiệu. Tất cả các loại phân hữu cơ qua “nhà máy rác trùn quế” sẽ trở thành một nguồn phân hữu cơ có chất lượng vượt trội hơn hẳn các loại phân hữu cơ khác. Đặc biệt, sau khi được trùn quế “xử lý”, phân sẽ mất hầu như gần hết mùi hôi khó chịu. Khi áp dụng mô hình này thì cả xóm đã không còn ai phản ứng chuyện mùi nước thải chăn nuôi như trước đây nữa”-Hòa vui vẻ nói.

Liên kết để phát triển

Hòa cho biết, giá bán phân trùn quế là 3 ngàn đồng/kg, tương đương 3 triệu đồng/tấn phân. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với phân chưa qua xử lý. Không những thế, nhờ lượng trùn quế này, Hòa còn đầu tư nuôi thêm 300 con gà chọi và 100 cặp bồ câu Pháp. Ngoài ăn trùn quế, đàn gà chọi còn được bổ sung thêm rau chè lá to và lá rau chùm ngây. Bởi toàn được ăn “đặc sản” nên đàn gà phát triển rất tốt, không dịch bệnh, thịt săn chắc. “Gà chọi nhà mình nuôi hiện chỉ đủ bán lẻ cho khách xung quanh, chưa đủ cung cấp lớn ra thị trường. Mọi người ăn đều khen chất lượng thịt gà thơm ngon hơn rất nhiều so với gà chọi được nuôi thông thường”-Hòa khoe.

Có nhiều phương pháp nuôi trùn quế khác nhau: phương pháp ủ nóng, ủ nguội hoặc ủ hỗn hợp. Trại nuôi trùn quê rất đơn giản, chỉ cần có mái che mưa nắng nhưng đảm bảo độ thoáng mát, đủ lượng ánh sáng và độ ẩm cần thiết. Từ việc nuôi trùn quế có thể thu được rất nhiều sản phẩm: trùn quế giống để cung ứng cho các đơn vị nuôi, nguồn phân bón chất lượng cao sau quá trình xử lý của trùn quế, phân bón ép viên để bón cho hoa lan, cây cảnh; trùn quế tươi thương phẩm là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gà, vịt, ngan, ngỗng hay cá, gà… Thậm chí, từ trùn quế thương phẩm còn có thể chế biến thành bột trùn quế, dịch trùn quế, mắm trùn quế… Rất nhiều lợi ích và giá trị từ việc khai thác các chuỗi giá trị xung quanh loài động vật xưa nay nhiều người tưởng chừng rất ít giá trị này.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Văn Hòa:
- Vượt qua áp lực,  kiên định mục tiêu.
- Không ngừng học hỏi, chia sẻ.
- Liên kết để tạo thành sức mạnh tập thể.

Để mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và phân phối sản phẩm, đồng thời tập hợp những người bạn cùng chí hướng, Hòa lập trang Trùn quế Gia Lai. “Từ hội nhóm này, mình đã liên kết được khoảng 40 anh em cùng tham gia nuôi trùn quế để khi cần cung ứng số lượng lớn, các anh em đều góp sức hay san sẻ với nhau đơn hàng khi cần thiết… Sự liên kết này làm cho nhóm mạnh hơn, vững chắc hơn bởi “mười cái đầu cùng suy nghĩ chắc chắn phải tốt hơn một cái đầu”-Hòa chia sẻ triết lý. Nhóm thi thoảng còn tạo thành những clip ngắn up lên trang YouTube để chia sẻ về việc nuôi trùn quế.

Mặc dù mô hình mới chỉ được xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay, trung bình mỗi năm, Hòa đã thu được 200-300 triệu đồng lợi nhuận từ việc nuôi trùn quế. Vốn đầu tư không nhiều, không mất quá nhiều công sức nhưng lợi nhuận tốt và quan trọng nhất, sản phẩm của Hòa đang rất hợp với xu thế hiện tại: nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững.

“Thời gian tới, mình sẽ cố gắng đầu tư mở rộng quy mô trang trại đi liền với đầu tư theo hướng tinh hơn: sản xuất phân hữu cơ trùn quế dạng viên nén, làm dịch trùn… Điều đáng mừng là, cơ sở ngày càng có nhiều khách hàng tìm tới, người mua hàng, người tới học tập, trao đổi kinh nghiệm. Có những nhóm bạn trẻ làm nông nghiệp sạch ở Măng Đen (Kon Tum) hay từ nước bạn Lào tìm về đây, đó là động lực để mình bước tiếp”-Hòa nói.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm