Sau ba năm du học ở Nhật, anh Cao Hữu Việt (32 tuổi, xã Bình Đào, Thăng Bình) trở về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen. Bước đầu, mô hình nuôi ốc đã đem lại cho anh Việt nguồn thu nhập ổn định và mở rộng ra nhiều thị trường.
Anh Cao Hữu Việt và hồ nuôi ốc bươu đen lúc ban đầu. Ảnh: N.Q |
Từ kỹ sư IT, hướng dẫn viên du lịch đến… nông dân nuôi ốc
Năm 2014, anh Việt tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và làm nhân viên IT cho công ty của Nhật tại Đà Nẵng. Hai năm sau, anh quyết định sang Nhật Bản theo học ngành tiếng Nhật.
Từ khi còn làm hướng dẫn viên du lịch, Việt đã ấp ủ ý định nuôi ốc bươu đen. Ảnh: N.Q |
Năm 2018, anh Việt về nước và làm hướng dẫn viên du lịch tại TP.Đà Nẵng với mức lương khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch gặp khó, anh về quê nuôi ốc bươu đen.
Vì sao từ một hướng dẫn viên du lịch lai đi chọn con ốc bươu đen để khởi nghiệp? Việt kể: nhân một lần đưa khách du lịch đi ăn tại Hội An, anh thấy ốc bươu đen là món khoái khẩu, dễ chế biến thành món ngon và mọi người rất thích, giá cả lại bình dân… anh hình thành trong đầu ý tưởng khởi nghiệp bằng nuôi ốc bươu đen. Từ một hướng dẫn viên du lịch đi đây đi đó, bỏ việc để làm nông dân nuôi ốc bươu, anh Việt từng bị người nhà phản đối, song khi thấy anh trình bày quyết tâm khởi nghiệp thì mọi người trong gia đình cũng đồng ý ủng hộ.
Sau gần 3,5 tháng thả nuôi thì ốc đẻ trứng. Ảnh: N.Q |
Với số vốn khởi nghiệp ít ỏi chỉ gần 40 triệu đồng ban đầu, anh Việt làm 8 hồ lót bạt trong vườn nhà. Mỗi hồ khoảng 8m. Đầu tiên, Việt mua 4kg trứng ốc giống mang về ấp thủ công, tỷ lệ nở chỉ đạt 50%. Lứa nuôi đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên ốc chết gần hết.
Quyết không bỏ cuộc, anh tìm thông tin từ các trang mạng xã hội, mua sách kỹ thuật nuôi ốc bươu đen để học hỏi. Rồi trời không phụ người có công, anh đã thành công trong những lần ấp trứng sau.
Trứng ốc được sắp xếp vào các khay nhựa hoặc thùng xốp để ấp. Ảnh: N.Q |
“Nuôi ốc dễ nhưng khá công phu. Nguồn thức ăn cho ốc bươu đen chủ yếu là rau, mướp, bầu, bí… có thể tự trồng hoặc mua ở chợ, nhưng phải sạch sẽ, lượng thức ăn vừa phải để không gây ô nhiễm môi trường nuôi. Cạnh đó phải thường xuyên theo dõi màu nước để xả hoặc bón vôi tạo khoáng chất, thay nước để ốc không bị bệnh sưng vòi, bệnh đường ruột…” – anh Việt chia sẻ.
Từ khoảng 100 mét vuông hồ ban đầu nay anh Việt đã mở rộng quy mô lên hơn 3.000m². Anh mở rộng trại nuôi không chỉ ở Quảng Nam mà còn thuê đất ở Đà Nẵng để nuôi nhiều hơn...
Theo anh Việt, khi thả nuôi được khoảng 3,5 tháng, anh chọn con ốc bố mẹ to, khỏe, vỏ dày để giữ nuôi sinh sản, còn lại xuất bán ốc thương phẩm. Từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, ốc bươu đen bắt đầu đẻ trứng. Trung bình mỗi con ốc trưởng thành đẻ khoảng 100 - 150 trứng, nguồn trứng được dùng ấp nhân đàn tại chỗ và còn bán ra ngoài.
Sau gần 1 tháng ấp, trứng bắt đầu nở con. Ảnh: N.Q |
“Tôi chọn nuôi ốc trong bể lót bạt vì có thể thả nuôi với mật độ dày, khoảng 200 con/m². Con ốc nhanh dày vỏ, sinh sản sớm. Việc thay và xử lý nước được dễ dàng, hạn chế được nhiều mầm bệnh” – anh Việt cho hay.
Thu nhập cao từ ốc bươu đen
Thị trường tiêu thụ ốc thịt và ốc giống của anh Việt ở khắp các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Bắc Giang. Bình quân mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường khoảng 3 - 4 tạ ốc thịt và hàng triệu con giống.
Giá bán ốc thịt khoảng 70 - 85 ngàn đồng/kg, ốc con từ 1 - 9 tuần tuổi có giá dao động 350 - 1.000 đồng/con. Doanh thu đem lại cho anh Việt khoảng 30 - 35 triệu đồng/tháng.
Ốc bươu đen từ 1- 9 tuần tuổi có giá bán 350 -1.000 đồng/con. Ảnh: N.Q |
Thời gian tới, anh Cao Hữu Việt dự định sẽ mở rộng quy mô nuôi ốc bươu đen, tìm kiếm thêm thị trường và có thể tìm cách bán ra nước ngoài. Cạnh đó, anh ấp ủ dự định sẽ chế biến ốc bươu đen đóng hộp để có tiêu thụ trong siêu thị...
Theo NGUYỄN QUỲNH (QNO)