TN - Đất & Người

Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành với Kon Tum trong việc phát triển sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh về tình hình đầu tư sản xuất, chế biến và định hướng phát triển sâm Ngọc Linh; việc thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn tỉnh Kon Tum, diễn ra vào sáng 7/4.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH


Đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn công tác Bộ NN&PTNT.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện UBND các huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Tu Mơ Rông và một số doanh nghiệp tham gia trồng, chế biến dược liệu tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong những năm qua, việc đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh đặc biệt quan tâm; bước đầu hình thành vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung; xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm. Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh được địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện. Qua đó, giúp bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, hình thành được vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa.

Theo Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu phát triển 31.742 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên có 16.988ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm có 14.754 ha (độ cao từ 1.200m - 1.500m).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh là hơn 1.151,6 ha với tổng số hơn 24,8 triệu cây; tổng sản lượng ước đạt khoảng 213,6 tấn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 881ha rừng có trồng sâm Ngọc Linh đang cho thu hoạch quả; dự kiến thu khoảng 8,5 triệu hạt mỗi năm và khả năng sản xuất được 6,2 triệu cây/năm. Với nguồn giống hiện có và năng lực sản xuất, tiêu thụ thực tế, hàng năm có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh trong khoảng 400-500ha rừng hiện có.

Công tác quảng bá thu hút đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh từng bước đi vào chiều sâu và đã được những kết quả quan trọng. Trong danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, có 7 dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh.

Việc khai thác, chế biến sâm Ngọc Linh được chú trọng với nhiều sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước như rượu sâm SK5, tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, nước yến sâm, mật ong sâm SK5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 sói đêm; nước giải khát dưỡng da NoLiKo, trà sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen sâm Ngọc Linh, viên nang mềm sinh lý sâm Ngọc Linh, rượu sâm ngọc linh, cà phê sâm Ngọc Linh...

Công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh được thực hiện thường xuyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc như: Hơn 50% diện tích có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh được quy hoạch trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; việc quản lý chất lượng, nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh gặp nhiều khó khăn; vốn đầu tư để phát triển sâm Ngọc Linh rất lớn...

Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT thông tin về tình hình thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững được triển khai thực hiện trên địa bàn 3 huyện Đăk Hà, Đăk Glei và huyện Kon Plông.

Đến nay, đã có 17 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững tham gia Dự án. Dự án đã thực hiện 3 tiểu dự án hỗ trợ nâng cấp 4,37 km đường sản xuất; 2000m2 sân phơi; 450m2 nhà kho; triển khai lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước phun mưa tại gốc cho cà phê cho 65 hộ dân với diện tích 89,4 ha tại huyện Đăk Hà, hỗ trợ một số trang thiết bị sơ chế cà phê thiết yếu quy mô nhỏ cho một số hợp tác xã.

Hiện, Dự án đang tiếp tục đầu tư nâng cấp 41,45 km đường đất lên đường bê tông xi măng tạo kết nối phục vụ sản xuất vùng cà phê dự án tại huyện Đăk Hà.


 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TH
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TH


Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đề nghị Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045 để các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy mở rộng diện tích có sâm Ngọc Linh, đa dạng các sản phẩm chế biến từ sâm để tham gia vào chuỗi cung toàn cầu. Đồng thời, tham mưu Chính phủ cho tỉnh Kon Tum thực hiện thí điểm trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bảo vệ bền vững tài nguyên rừng đặc dụng. Trên cơ sở đánh giá mô hình thí điểm, đề xuất cơ chế chính sách phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu có giá trị trong rừng đặc dụng của cả nước. Tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu, nhất là cơ chế tiếp cận vốn vay ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng phát triển dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng.

Tại buổi làm việc, các sở, ngành của tỉnh và cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT tích cực trao đổi, thảo luận làm rõ thêm một số nội dung; nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc phát triển sâm Ngọc Linh; xây dựng vùng trồng cà phê bền vững của Dự án VnSAT.


 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: TH
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: TH



Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Kon Tum đối với việc bảo tồn, mở rộng diện tích, phát triển sâm Ngọc Linh.

Đồng chí Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, Việt Nam nói chung và Kon Tum nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng việc phát triển “Quốc Bảo” sâm Ngọc Linh vẫn chưa xứng tầm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, hiện tại Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình về phát triển công nghiệp dược, dược liệu và sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045. Vì vậy, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ để thực hiện mục tiêu xây dựng Kon Tum trở thành một trong những trung tâm dược liệu của cả nước, đặc biệt là đầu tàu về phát triển sâm Ngọc Linh.

Trong thời gian đến, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để khảo sát, đánh giá thực tế, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh việc phát triển sâm Ngọc Linh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đã đề ra.

Đối với Dự án VnSAT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, sau 6 năm triển khai, Dự án đã cho thấy hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững. Còn hơn 3 tháng nữa là Dự án sẽ kết thúc, đề nghị Sở NN&PTNT và các địa phương nằm trong vùng Dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đề ra; đồng thời, quan tâm duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình, hợp phần mà Dự án đầu tư.



https://www.baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/bo-nn-ptnt-se-dong-hanh-voi-kon-tum-trong-viec-phat-trien-sam-ngoc-linh-23303.html

Theo Thùy Hương (baokontum)

Có thể bạn quan tâm