Kinh tế

Bộ Nông nghiệp và PTNT sơ kết 2 năm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Chiều 1-8, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí Lê Minh Hoan-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Trần Thanh Nam-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và Gia Lai; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia đề án.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Nhật Hào

Quang cảnh hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Nhật Hào

Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn đoạn 2022-2025 được thực hiện với quy mô 166,8 ngàn ha cây trồng trên địa bàn 46 huyện của 13 tỉnh. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án là 2.467 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 942,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 409,4 tỷ đồng; vốn đối ứng của HTX, doanh nghiệp 572,2 tỷ đồng; vốn tín dụng 552,3 tỷ đồng.

Sau 2 năm triển khai, vùng nguyên liệu cơ bản hình thành rõ nét, phát triển cả về quy mô diện tích và chất lượng. Cụ thể, đã hoàn thành 82/131 km đường giao thông; 0,6/6,03 km kênh mương; xây dựng được 2/5 trạm bơm điện, 3/8 nhà kho, nhà trưng bày sản phẩm. Diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là 103.884 ha; xây dựng được 81 chuỗi liên kết; có 26 doanh nghiệp và 353 HTX thu mua, chế biến nông sản tham gia liên kết; thành lập được 130 tổ khuyến nông cộng đồng…

Tại Gia Lai, đề án được thực hiện với tổng kinh phí đề xuất triển khai là 490,435 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 140,428 tỷ đồng, ngân sách địa phương 54,368 tỷ đồng, HTX và doanh nghiệp đối ứng 250,639 tỷ đồng; vốn tín dụng 45 tỷ đồng. Quy mô đề án khoảng 5.600 ha cà phê trên địa bàn 6 huyện gồm: Đak Đoa, Chư Păh, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku với 12 HTX và 1.600 hộ hưởng lợi. Đến nay, đã thực hiện được 4/5 dự án với tổng kinh phí thực hiện và giải ngân là hơn 42,3 tỷ triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Hào

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Hào

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025 có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thành những vùng nguyên liệu đạt chuẩn một cách có hệ thống với các thiết chế đi kèm, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngành hàng mà trực tiếp là doanh nghiệp và nông dân. Do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các bên liên quan cần xác định được vai trò của mình để có sự chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng thực hiện tốt đề án. Trong đó, Ban Chỉ đạo đề án cần hoàn thiện quy trình chuẩn để nhân rộng ra những địa phương khác với những ngành hàng khác, từng bước đồng bộ việc hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn trong cả nước; định kỳ đánh giá kết quả đạt được, dự báo các rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt thị trường cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy thị trường, có sự liên kết, hợp tác, đầu tư với HTX, nông dân.

Có thể bạn quan tâm