Kinh tế

Tài chính

Bộ Tài chính nói gì về việc tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2-3% GDP?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa có chủ trương xem xét việc tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2-3% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Chủ trương trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nước ngoài, an toàn tài chính quốc gia như thế nào?

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã có những chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

- Xin ông cho biết tình hình nợ công hiện nay ra sao, có những biến động thế nào trong thời gian qua?

Tận dụng điều kiện vĩ mô thuận lợi trong những năm vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chính phủ.

Cùng với thành quả củng cố tình hình tài khóa thông qua cắt giảm bội chi, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và siết chặt việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, nhờ vậy, nợ công so với GDP giảm mạnh từ 63,7% năm 2016 xuống khoảng 55% cuối năm 2019.

 

Nợ công so với GDP giảm mạnh từ 63,7% năm 2016 xuống khoảng 55% cuối năm 2019.
Nợ công so với GDP giảm mạnh từ 63,7% năm 2016 xuống khoảng 55% cuối năm 2019.


So với mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, thì áp lực gánh nặng nợ công rõ ràng đã giảm đi rất nhiều. Đây chính là dư địa tài khóa giúp nền kinh tế chống chọi được những cú sốc như đại dịch Covid-19 mà không gây ra bất ổn vĩ mô, tài chính – ngân sách và bền vững nợ công.

Đối với năm 2020, trên cơ sở kịch bản tăng trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản đánh giá tác động đến cân đối ngân sách nhà nước và nợ công.

Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành, có tính đến phương án tiếp tục triển khai chính sách nới lỏng tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tùy vào kết tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng tôi dự kiến nợ công có thể lên khoảng 57-58% GDP cuối năm 2020.

Như vậy, trong bối cảnh vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay, với việc bồi đắp hiệu quả dư địa tài khóa đã tích lũy trong những năm đầu giai đoạn đã đảm bảo các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2020 trong giới hạn an toàn được Quốc hội cho phép, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016.

Ông đánh giá như thế nào về áp lực của các khoản nợ đến hạn của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn tới?

Tuy gánh nặng nợ so với GDP đã giảm so với những năm đầu giai đoạn, xu hướng giảm nợ công một phần phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, rất chậm. Việc này một mặt hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay, mặt khác ngân sách vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân. Mặt khác, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên.

Đến nay, Việt Nam đã thành nước thu nhập trung bình, thoát ra khỏi đói nghèo. Đó là thành tựu của 30 năm đổi mới. Nhưng thách thức là Việt Nam cũng không còn được vay ưu đãi với lãi suất thấp, ngược lại sẽ phải vay thương mại với lãi suất cao hơn, kỳ hạn rút ngắn lại đáng kể so với thời kỳ trước, tiệm cận với điều kiện thị trường. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước khoảng gần 18%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,8% cuối năm 2016.

 

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước khoảng gần 18%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,8% cuối năm 2016.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước khoảng gần 18%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,8% cuối năm 2016.


Trong năm 2020, khả năng thu NSNN không đạt mục tiêu đặt ra sẽ gây áp lực lên chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN vốn đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, tiến rất sát ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.

Đối với giai đoạn 2021-2025, Quốc hội chưa xem xét, phê duyệt mức trần cho chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó bao gồm các tài khóa, dựa trên GDP đã đánh giá lại đồng nghĩa với nhu cầu huy động vốn để bù đắp bội chi NSNN có thể tăng lên rất cao khi xét về giá trị tuyệt đối.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tập trung cao vào những năm đầu và cuối giai đoạn, có những năm có thể vượt ngưỡng 25%, chủ yếu do các khoản TPCP trong nước phát hành trong giai đoạn trước đáo hạn trong những năm này.

Điều này một mặt dẫn đến tình trạng dư địa ngân sách cho các khoản chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên sẽ giảm mạnh; mặt khác việc thu xếp nguồn tiền để trả nợ là điều không thể xem nhẹ, nhất là khi nhiều năm nay, chúng ta vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ.

Trước tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa có chủ trương có thể xem xét tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2-3% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Xin ông cho biết chủ trương trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nước ngoài, an toàn tài chính quốc gia như thế nào?

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, Chính phủ được phép vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển, không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên; vay để chi trả nợ gốc đến hạn và vay nước ngoài về cho vay lại đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội và bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 thuộc về thẩm quyền của Quốc hội. Trường hợp Quốc hội phê duyệt phương án tăng tỷ lệ bội chi, Chính phủ sẽ có nhiệm vụ huy động vốn vay bổ sung để đảm bảo cân đối ngân sách.

Theo kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, kế hoạch vay của Chính phủ năm 2020 là 501 nghìn tỷ đồng, gồm: vay trong nước 394 nghìn tỷ đồng và vay nước ngoài 107 tỷ đồng. Trường hợp tăng vay vốn thêm 2-3% GDP để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển, hỗ trợ nền kinh tế ứng phó trước tác động của đại dịch Covid-19, theo tính toán của chúng tôi, khả năng các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Tuy vậy, phương án vay bổ sung 2-3% GDP trong năm 2020, tương ứng với 180-240 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở GDP đánh giá lại), so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cũng sẽ là thách thức không nhỏ.

Một mặt, tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ đầu năm đến nay còn rất chậm, việc thực hiện 100% kế hoạch vốn trong năm đã được Quốc hội, Chính phủ giao đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Hiện còn trên 10 tỷ USD các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết, cần ưu tiên giải ngân ngay trong năm này cũng như giai đoạn tới theo đúng cam kết với các nhà tài trợ.

Việc huy động vốn vay nước ngoài cho chương trình dự án mới đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài, có thể lên tới 2-3 năm do đòi hỏi nhiều thủ tục, trình tự phải triển khai trước khi có thể hoàn thành đàm phán, ký kết và giải ngân. Nếu huy động vốn vay nước ngoài để hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách có thể triển khai nhanh hơn, nhưng thông thường các khoản vay này có quy mô nhỏ và kèm theo ràng buộc chính sách.

Mặt khác, khả năng hấp thụ vốn của thị trường TPCP trong nước còn hạn chế. Việc thực hiện phát hành thêm khối lượng vốn lớn sẽ dẫn đến nguy cơ gây áp lực gia tăng chi phí vay vốn của Chính phủ, hoặc dẫn đến rủi ro tái cấp vốn trong những năm sau trong trường hợp Chính phủ phải phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao.

 

Khả năng hấp thụ vốn của thị trường TPCP trong nước còn hạn chế.
Khả năng hấp thụ vốn của thị trường TPCP trong nước còn hạn chế.


Ngoài ra, qua nghiên cứu tình hình các nước cho thấy, việc bội chi, nợ công gia tăng mạnh trở lại, cũng như việc tham gia vào các sáng kiến giảm nợ của một số tổ chức quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực lên hệ số tín nhiệm của một số nước. Việc này gắn với hệ lụy một mặt làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác còn làm tăng chi phí vay vốn của toàn bộ nền kinh tế. Như chúng tôi theo dõi, E-ti-ô-pia, Pakistan, Ca-mơ-run, Sê-nê-gan, Bờ biển Ngà gần đây đều bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc/đưa vào diện xem xét hạ bậc khi bày tỏ nguyện vọng tham gia vào Sáng kiến Giảm nợ của G20.

Như vậy, bài học rút ra cho thấy việc huy động các nguồn vay mới, bao gồm cả các khoản hỗ trợ Covid-19, cần được thẩm định, lựa chọn kỹ về tính hiệu quả, so sánh chi phí-lợi ích để đảm bảo khả năng trả nợ trong trung, dài hạn trước khi quyết định vay.

Trường hợp Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, cần tính đến việc huy động từ các quỹ dự trữ tài chính trong nước, từ ngân quỹ nhà nước, cũng có thể phải tính đến phương án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế. Đồng thời, cũng cần đa dạng hóa các nguồn lực khác như tranh thủ nguồn viện trợ, đầu tư trực tiếp nước ngoài để giảm áp lực lên nợ công.

Thưa ông, việc xem xét nâng trần nợ công trong giai đoạn tới sẽ được thực hiện như thế nào?

 Như tôi vừa trình bày, mức trần nợ công được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020 là 65% GDP. Thẩm quyền quyết định, điều chỉnh trần nợ công cho từng giai đoạn 5 năm thuộc về Quốc hội.

Tính đến hết năm 2019, nợ công ở mức khoảng 55,0% GDP. Đối với năm 2020, với việc tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch, nợ công có thể tăng lên mức 57-58% GDP, tuy nhiên vẫn còn dư địa rất lớn trước khi phải tính đến phương án nâng trần nợ công.

Trong bối cảnh quốc tế cũng như trong nước còn nhiều thách thức, một điểm sáng từ đầu năm đến nay có thể kể đến việc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được cả 3 tổ chức xếp hạng tiếp tục giữ nguyên. Trong khi đó, trong 7 tháng đầu năm 2020, có đến 40 quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã bị hạ bậc tín nhiệm, 104 đợt hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia bởi 3 tổ chức đánh giá S&P, Moody’s và Fitch, chủ yếu do các gói hỗ trợ tài khóa phòng chống đại địch dẫn đến gánh nặng nợ công gia tăng mạnh tại các nước này.

Để đạt được kết quả giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam, trước hết phải kể đến thành công của Chính phủ trong việc kiềm chế hiệu quả đại dịch Covid-19 trong nước, qua đó khẳng định tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta hậu đại dịch. Bên cạnh đó, phải kể đến đóng góp hết sức quan trọng của thành quả củng cố tình hình tài chính – ngân sách kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cắt giảm mạnh bội chi và tỷ lệ nợ công, tạo dư địa dự phòng chính sách để ứng phó với rủi ro vĩ mô như chúng ta đang đối mặt trong năm 2020.

Đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội sẽ xem xét, phê duyệt vào năm 2021. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 07-NQ/TW là cần cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đảm bảo hiệu quả, bền vững, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ; giảm dần tỷ lệ nợ công đến năm 2030 không quá 60% GDP (trên cơ sở chưa điều chỉnh), tiến tới giảm tỷ lệ bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công so với GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước.

Như vậy, việc tính toán, đề xuất trần nợ công để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt trong giai đoạn sẽ được cân nhắc kỹ để đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh tài chính quốc gia, bền vững nợ. Một mặt phù hợp với khả năng vay vốn trên thị trường để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mặt khác phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách, không làm ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng như hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

https://danviet.vn/bo-tai-chinh-noi-gi-ve-viec-tang-ty-le-no-cong-them-tu-2-3-gdp-20200810125557633.htm
 

Theo PV (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm