(GLO)- Gần 3 năm trở lại đây, tại những hàng quán ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), người ta thường thấy một người đàn ông khuyết tật cả đôi chân, di chuyển bằng đôi tay nhờ vào 2 chiếc ghế nhựa thấp chào mời mua vé số. Đó là anh Trần Văn Phương.
Anh Phương được sinh ra và lớn lên ở thôn 2 (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) trong gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ làm nghề nông. Anh bị sốt bại liệt lúc còn nằm nôi để lại di chứng teo cơ. Năm 15 tuổi, anh bị ngã làm trật khớp khuỷu tay phải. Mặc dù đã được phẫu thuật chỉnh hình nhưng di chứng cong khèo.
“Năm 24 tuổi, tôi xin phép gia đình đến TP. Kon Tum để bán vé số dạo. Còn 3 năm trở lại đây, tôi thuê phòng trọ và tiếp tục hành nghề bán vé số tại TP. Pleiku”-anh Phương kể.
Chị T-chủ đại lý vé số Sỹ Tân (số 10 Cao Thắng, TP. Pleiku) cho biết: Ngay lần gặp đầu tiên, vợ chồng tôi đã chung tay giúp đỡ gia đình anh Phương. Chúng tôi cho 3 cha con anh ở miễn phí, chỉ lấy tiền điện sinh hoạt trong gian phòng rộng, công trình phụ khép kín thuộc dãy nhà trọ của gia đình (hẻm 108 Trần Quý Cáp, tổ 3, phường Yên Đổ); đồng thời làm thủ tục tạm trú để cha con anh ổn định cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Khanh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Pleiku) nhớ lại: “Khi tiếp nhận đơn xin học của em Trần Văn Thường đến từ tỉnh khác, địa chỉ tạm trú lại không thuộc khu vực nhà trường nhận học sinh, cán bộ làm công tác tuyển sinh giải thích là không nhận được. Đến khi tôi gặp anh Phương, biết anh là cha ruột của đứa trẻ trong đơn, hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, tôi quyết định nhận cháu vào học tại trường”.
Anh Trần Văn Phương mời khách mua vé số. Ảnh: Nguyễn Đình |
Giữa trưa, tôi theo chân anh Phương cùng cậu con trai anh về khu nhà trọ. Ngồi bên nhau trong căn phòng ngổn ngang vật dụng cho sinh hoạt thường ngày, anh Phương kể chuyện đời mình: “Năm 31 tuổi, tôi kết hôn với cô gái nghèo mồ côi, sống bằng nghề bưng bê cho một quán ăn gần nhà người cô ruột ở thị trấn Sa Thầy. Có với nhau 2 mặt con, gian khổ đã từng nếm trải, sẻ chia. Thế mà cách đây 4 năm, khi bé gái thứ 2 chưa đầy 3 tuổi, cô ấy bỏ nhà đi biệt, không nói lý do. Từ đó, tôi rơi vào cảnh gà trống nuôi con”.
Nói về cuộc sống hiện tại, anh Phương cho biết: Được khách hàng thương cảm bởi tình trạng sức khỏe nên thu nhập trung bình từ nghề bán vé số cũng được 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn được nhận tiền trợ cấp cho người tàn tật 540.000 đồng/tháng.
Thời gian gần đây, bữa trưa các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần, anh và cậu con trai ăn cơm 2.000 đồng/suất ở quán cơm thiện nguyện Yên Vui. Chi phí học tập của các con anh được miễn giảm hoàn toàn, riêng khoản tiền ăn 800.000 đồng/tháng cho bé Trần Phương Giang hiện đang học bán trú lớp 1, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP. Pleiku) thì phải đóng.
“Tôi lo nếu nhỡ ốm đau không đi bán vé số được thì biết lấy gì để sống. Mai sau, sức yếu dần theo tuổi tác, các con lớn lên, chi phí cho nhu cầu sinh hoạt, học tập tăng biết xoay xở làm sao. Cha mẹ tôi thì già yếu, anh chị em cũng nghèo khó chẳng giúp đỡ được gì”-anh Phương trải lòng.
Gia đình anh Phương hiện rất cần nhận được sự chung tay giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ anh Trần Văn Phương gửi về Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu, số ĐT: 0943064095).
NGUYỄN ĐÌNH