TN - Đất & Người

Bó tay với Tập đoàn Hoàng Gia?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quá trình điều tra xác định đã có hơn 10.000 người ở hàng chục tỉnh, thành đầu tư vào Tập đoàn Hoàng Gia với số tiền khoảng 2.800 tỉ đồng.
Ngày 24-10, trung tá Lê Văn Tuấn, Trưởng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết vẫn chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án liên quan đến việc hàng trăm người dân gửi đơn tố cáo ông Đỗ Thanh Tâm - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dự án Hoàng Gia (gọi tắt là Tập đoàn Hoàng Gia) - lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lợi nhuận không tưởng: 85%/năm
Trước đó, ngày 27-3, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk xác lập tin báo về tội phạm đối với ông Đỗ Thanh Tâm để làm rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau 4 tháng, do thời hạn điều tra đã hết mà chưa có căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án nên ngày 27-7, cơ quan này đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm.
Trung tá Lê Văn Tuấn cho biết quá trình điều tra xác định từ năm 2016, ông Tâm bắt đầu huy động vốn của nhiều người dưới danh nghĩa Công ty TNHH Dự án Hoàng Gia. Khi huy động được số tiền lớn, công ty này đổi tên thành Tập đoàn Hoàng Gia. Sau khi người dân tố cáo và cơ quan công an xác lập điều tra thì Tập đoàn Hoàng Gia đã đổi tên thành Công ty CP Attractive.
Cũng theo ông Tuấn, Tập đoàn Hoàng Gia đã đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở 16 tỉnh, thành với 22 đơn vị kinh doanh và đầu tư vào một số doanh nghiệp khác. Theo tài liệu mà công an thu thập, trên 10.000 người ở 24 tỉnh, thành có hoạt động cho vay gửi vào tài khoản cá nhân ông Tâm và Tập đoàn Hoàng Gia với tổng số tiền khoảng 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm trước ngày 27-7, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ tiếp nhận được 315 đơn khiến nghị, tố cáo với số tiền cho vay khoảng 300 tỉ đồng, số tiền ông Tâm còn nợ chỉ khoảng 30 tỉ đồng.
Về phương thức, trung tá Lê Văn Tuấn cho hay Tập đoàn Hoàng Gia đã đưa ra mức lãi suất rất cao, đánh vào lòng tham của nhiều người để huy động vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, quà tặng nhiều nơi, giới thiệu các công ty con đang làm ăn hiệu quả để lôi kéo thêm người cho vay.
Tập đoàn Hoàng Gia đưa ra 10 gói từ 12 triệu đồng đến 3 tỉ đồng. Nếu đầu tư vào gói Ruby giá trị 3 tỉ đồng thì sau 460 ngày, người cho vay sẽ được nhận số tiền gốc là 3,25 tỉ đồng và 2,5 tỉ đồng tiêu dùng miễn phí. Ngoài ra, người cho vay còn nhận nhiều khoản khác như thưởng "72 giờ" 330 triệu đồng, chia lãi mỗi tháng 0,5%/doanh thu suốt 36 tháng. "Tính trung bình các gói thì lợi nhuận khoảng 85%/năm. Khoản lợi nhuận mà khó có doanh nghiệp nào thu được" - trung tá Lê Văn Tuấn đánh giá.
 
Sau khi đổi tên thành Công ty CP Attractive, Tập đoàn Hoàng Gia đã lập một siêu thị để vừa kinh doanh vừa làm điểm giao dịch chốt lại các khoản nợ. Ảnh: Cao Nguyên
Không dễ chứng minh hành vi phạm tội
Làm việc với cơ quan công an, tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Gia thừa nhận hành vi gian dối là dù làm ăn không hiệu quả nhưng đưa ra thông tin làm ăn rất tốt để huy động vốn. Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Tâm cho rằng huy động vốn để kinh doanh nhưng gặp khó khăn ngoài mong muốn. Bên cạnh đó, do vay với lãi suất cao, lấy tiền của người sau trả cho người trước và số tiền đã trả rất lớn.
Sau khi đổi tên thành Công ty CP Attractive, mới đây, doanh nghiệp này đã lập một siêu thị trên đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để kinh doanh và làm điểm giao dịch chốt lại các khoản nợ với những người tham gia.
Theo trung tá Lê Văn Tuấn, do các địa chỉ IP website của Tập đoàn Hoàng Gia ở Mỹ nên cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị VKSND Tối cao hỗ trợ trong việc ủy thác tư pháp đến Bộ Tư pháp Mỹ để thu thập thông tin lưu trữ. Bộ Tư pháp Mỹ có phản hồi cho thấy một địa chỉ IP đã bị xóa hết dữ liệu. Địa chỉ IP còn lại, Bộ Tư pháp Mỹ đã có văn bản đề nghị phía Việt Nam bổ sung thông tin để có cơ sở ra lệnh khám xét. Cũng theo ông Tuấn, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã cung cấp đầy đủ các thông tin như phía Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu, còn họ có ra lệnh khám xét và thu giữ hay không thì phải chờ.
Thời gian qua, công an đã thu giữ nhiều tài liệu và đang trong quá trình phân tích, đánh giá. Do số lượng giao dịch quá lớn nên phải mất rất nhiều thời gian.
Về thông tin cho rằng cơ quan công an chậm khởi tố vụ án, trung tá Lê Văn Tuấn lý giải: "Cơ quan công an đã nỗ lực hết sức nhưng phạm vi quá lớn, thời gian điều tra theo quy định của pháp luật thì quá ngắn. Chưa kể, nhiều nạn nhân không hợp tác dù có đơn hoặc xin rút đơn do được hứa hẹn trả tiền, gây khó khăn cho quá trình điều tra". 
Đề nghị người dân gửi đơn tới Bộ Công an

Theo trung tá Lê Văn Tuấn, liên quan đến Tập đoàn Hoàng Gia, có 2 tỉnh xác lập tin báo nhưng đều tạm đình chỉ, một số tỉnh thì trả lời người dân là quan hệ dân sự, đề nghị khởi kiện ra tòa. "Đây là vụ việc phức tạp, số lượng người, số tiền liên quan rất lớn ở nhiều địa phương và có yếu tố nước ngoài. Xét về tính chất vụ việc thì đề nghị người dân gửi đơn tới Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an điều tra là hợp lý" - trung tá Tuấn nói.

Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm