Kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Tránh đầu tư dàn trải ngay từ năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 27-8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng miền Trung, Tây Nguyên. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. 
Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng; Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Các địa phương cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai. Đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải ngay từ kế hoạch đầu công năm 2021 và phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách Trung ương, của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025). Cần ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng, địa phương”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu tránh đầu tư dàn trải ngay từ kế hoạch đầu công năm 2021. Ảnh: Hà Duy
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương (Bộ KH-ĐT) cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 nhưng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020 của vùng miền Trung và Tây Nguyên đã có những tăng trưởng nhất định. Cụ thể, đối với 14 tỉnh miền Trung, kinh tế chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP cả nước. Tăng trưởng GRDP vùng bình quân đạt khoảng 6,8-7%/năm, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước, tăng trưởng đều cả 3 khu vực, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp và xây dựng 5 năm là 10,68%/năm, ngành dịch vụ tăng bình quân khoảng 10%/năm và ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 3,58%/năm. Quy mô GRDP của vùng đến năm 2020 đạt mục tiêu gấp 1,6 lần so với năm 2015. 
Còn vùng Tây Nguyên, trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng bình quân đạt 6,55%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Các địa phương đều cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội. Lâm Đồng đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, Đak Lak đạt và vượt 13/18 chỉ tiêu, Gia Lai đạt và vượt 12/16 chỉ tiêu, Đak Nông đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu, Kon Tum đạt và vượt 22/31 chỉ tiêu.
Giám đốc Sở KHĐT Hồ Phước Thành đề xuất được đầu tư nhiều dự án trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hà Duy
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy
Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Phước Thành đã nêu một số khó khăn mà tỉnh đang gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội như: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội; một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngưng hoạt động hoặc giải thể, người lao động bị mất việc; thương mại, dịch vụ, du lịch gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạn hán xảy ra trên 7.972 ha cây trồng các loại. Thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tuy tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt yêu cầu.
Đồng thời, ông Hồ Phước Thành cũng đề xuất trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông-Vận tải sớm triển khai lập quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ và có cơ chế hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng để thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)-Pleiku (tỉnh Gia Lai; Bộ Giao thông-Vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Pleiku; đưa dự án thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; xây dựng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng chủ lực; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung không có khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng do cây hồ tiêu mất mùa, chết và hạt tiêu mất giá…
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Bộ KH-ĐT tư đổi mới phương thức tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công theo vùng, giúp tăng cường sự phối hợp giữa Bộ với các địa phương, cùng nhau tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thống nhất các giải pháp xây dựng và triển khai kế hoạch. 
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm