TN - Đất & Người

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Muốn bảo vệ rừng Tây Nguyên bền vững, phải hạn chế di dân tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), để quản lý bảo vệ rừng Tây Nguyên hiệu quả, cần ổn định tình trạng dân di cư tự do, xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị quản lý các cấp; rà soát, điều chỉnh các loại rừng để có giải pháp bảo vệ phát triển rừng…
Ngày 22/6, tại Đắk Lắk, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng". Hội nghị nhằm bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên. 
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, cùng Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các tỉnh Tây Nguyên.
 
Toàn cảnh hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, đến năm 2019, Tây Nguyên có hơn 2,5 triệu ha rừng, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực đạt 45,92%. Từ đầu năm 2019 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng được 9.197ha rừng và trồng 478ha thay thế rừng đặc đặc dụng, phòng hộ. So với năm 2018, diện tích rừng trồng tăng hơn 18 nghìn ha, diện tích rừng tự nhiên giảm 15,7 nghìn ha.
Đối với lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, Quỹ bảo vệ phát triển rừng 5 tỉnh Tây Nguyên đã thu hơn 1.121 tỷ đồng. Theo đó, hệ thống Quỹ tỉnh vùng Tây Nguyên đã thanh toán cho các chủ rừng qua tài khoản hơn 724 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 56 tỷ đồng.
Phần lớn hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về phá rừng và quản lý canh tác nương rẫy, khai thác mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật, phòng cháy chữa cháy rừng (trong đó xảy ra 55 vụ cháy rừng làm thiện hại 275 ha), chống người thi hành công vụ (9 vụ chống người thi hành công vụ, 4 người bị thương và thiệt hại tài sản).
 
Nhiều đại biểu đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hiệu quả rừng Tây Nguyên.
Tại Hội nghị, Bộ NNPTNT cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên. Phấn đấu đến năm 2030 diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%.
Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành; rà soát xây dựng cơ chế chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên; tiếp tục sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp; đẩy mạnh việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý; không để phát sinh diện tích rừng bị tranh chấp, lấn chiếm…
Hầu hết các đại biểu tại Hội nghị thống nhất với các giải pháp của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên một số đại biểu cho biết, hiện nay công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. 
Để thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ rừng, một số đại biểu đề xuất một số giải pháp như: Cần phát huy hơn nữa vai trò của kiểm lâm, xử lý nghiêm xe độ chế; tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước có chung đường biên giới; tạo sinh kế ổn định cho người dân để người dân sống được với rừng; khoanh nuôi bảo vệ rừng kém hiệu quả, chuyển đổi diện tích đất sản xuất năng suất thấp sang trồng rừng…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu. Bộ trưởng cho biết, sẽ chỉ đạo Tổng Cục Lâm nghiệp tổng hợp các ý kiến để lãnh đạo Bộ xem xét, nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét, xã hội quan tâm sâu sắc hơn; chủ trương xã hội hóa nghề rừng được thực hiện hóa, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng…
Để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, các tỉnh khu vực Tây nguyên cần phải ổn định tình trạng dân di cư tự do; xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị quản lý các cấp; rà soát, điều chỉnh các loại rừng để có giải pháp bảo vệ phát triển rừng hiệu quả…
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm