Kinh tế

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: Phải chuẩn bị kỹ tài liệu, hồ sơ về việc chuyển đổi diện tích rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 1-8, đoàn công tác do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trên lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh đề xuất, kiến nghị.

Dự và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh; Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Đề xuất nhiều nội dung thiết thực

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đại diện tỉnh nêu các kiến nghị, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, qua 15 năm triển khai thực hiện chương trình phát triển 50.000 ha cao su trên địa bàn, UBND tỉnh đã cho phép triển khai thực hiện 44 dự án của 16 doanh nghiệp với diện tích chuyển đổi sang trồng cao su trên 32.405 ha (gồm 29.188 ha đất có rừng tự nhiên và 3.217,5 ha đất chưa có rừng). Các doanh nghiệp đã trồng hơn 25.541 ha cao su trên địa bàn các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Pa.

Tuy nhiên, năm 2018, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra, đánh giá, xác định 12.039 ha cao su bị chết, kém phát triển. Từ năm 2018 đến nay đã phát sinh thêm 4.344 ha. Căn cứ Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 15-6-2022 về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cụ thể việc chuyển mục đích sử dụng rừng (đối với diện tích trồng cao su kém phát triển từ chuyển đổi rừng nghèo có nguồn gốc từ rừng tự nhiên); trồng rừng thay thế khi chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang đầu tư các dự án khác (không phải mục đích lâm nghiệp).

Cùng với đó, tỉnh đề nghị cho phép chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển này sang các dự án khác phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: M.N

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: M.N

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên: Những vướng mắc, kiến nghị của tỉnh trong buổi làm việc này đã tồn tại từ rất lâu và tỉnh cũng đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ hướng dẫn xử lý nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn. Do đó, tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, quan tâm để tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt là có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cho những người dân được giao khoán bảo vệ rừng; hướng dẫn về quy định, thủ tục để tỉnh xây dựng và trình phê duyệt đề án trồng và khai thác dược liệu dưới tán rừng để giúp người dân tập trung làm ăn ổn định, tăng sinh kế.

Đối với việc triển khai xây dựng Dự án thủy lợi Ia Thul và xây dựng vùng tưới hệ thống công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơ, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh và cơ quan chuyên môn của Bộ tiếp tục cùng quan tâm thực hiện để công trình này đạt hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, cùng các bộ, ngành xem xét đề xuất Chính phủ, Ban Bí thư xử lý vấn đề dân chiếm canh trên đất lâm nghiệp tồn tại từ trước đến nay. Do áp lực về sinh kế, thiếu đất sản xuất, người dân chiếm canh khoảng 76.000 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, việc xử lý đất chiếm canh còn nhiều lúng túng do chưa có chính sách cụ thể dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng ngày càng khó khăn, phức tạp.

Mặt khác, tỉnh cũng đề xuất Bộ hỗ trợ, bố trí 118 tỷ đồng để thực hiện Dự án điều tra, kiểm kê rừng toàn tỉnh giai đoạn 2024-2025; ban hành quy hoạch lâm nghiệp quốc gia để sớm triển khai thực hiện theo quy định; hướng dẫn trình tự, thủ tục thuê đất rừng tự nhiên, thuê môi trường rừng tự nhiên để thực hiện các dự án phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Đối với lĩnh vực thủy lợi và phòng-chống thiên tai, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng Dự án hồ chứa nước Ia Thul; đề xuất xây dựng vùng tưới hệ thống công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơ (huyện Chư Prông); sớm triển khai xây dựng hệ thống đập dâng nước trên sông Ba đoạn qua thị xã An Khê; xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 3.144 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xây dựng 17 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần xử lý cấp bách nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thảo luận, làm rõ và hướng dẫn cụ thể về quy trình để tháo gỡ những vướng mắc của tỉnh. Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực: Diện tích tỉnh xin chuyển đổi cây cao su sang dự án khác là rất lớn (khoảng 16.532,3 ha) nên giữa Bộ và tỉnh cần có buổi làm việc chuyên sâu cùng với các bộ, ngành liên quan về vấn đề này.

Trước mắt, tỉnh cần rà soát kỹ thông tin về nguồn gốc đất trước khi trồng cao su (đất có rừng hay đất trống) để xác định việc trồng rừng thay thế. Tỉnh cũng cần xác định cụ thể, chi tiết hơn về phương án sử dụng phần diện tích này để xác định thẩm quyền của tỉnh, Bộ hay của Quốc hội thì mới có thể cùng tháo gỡ.

Đối với kiến nghị xử lý đất lấn chiếm của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng thì tại khoản 2, Điều 139 Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định về xử lý các trường hợp sử dụng đất do lấn đất, chiếm đất có nguồn gốc nông-lâm trường đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng qua các thời kỳ.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tham mưu thực hiện. Liên quan đến việc giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất thì Luật Đất đai năm 2024 cũng đã có những chính sách cụ thể hơn về ưu tiên giải quyết đất ở, đất sản xuất cho những hộ gia đình thiếu đất sản xuất.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai trình Chính phủ ban hành, trong đó có quy định chi tiết về các trường hợp sử dụng đất do lấn đất, chiếm đất có nguồn gốc nông-lâm trường đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng qua các thời kỳ”-ông Lực thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực phát biểu. Ảnh: M.T

Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực phát biểu. Ảnh: M.T

Đối với đề nghị hướng dẫn trình tự, thủ tục thuê đất rừng tự nhiên để thực hiện các dự án phát triển dược liệu dưới tán rừng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng.

Dự thảo này có quy định về nguyên tắc, phương thức tổ chức thực hiện; trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu đối với các chủ rừng; quy định cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng. Riêng đề xuất sớm ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Bộ cũng đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến trong tháng 8-2024.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Lê Hồng Linh thì cho biết: Dự án hồ chứa nước Ia Thul đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến nay, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi cơ bản đã hoàn thành, phương án tuyến, quy mô, kết cấu công trình, phương án xây dựng đã được rà soát, chính xác hóa để đảm bảo các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường.

Tuy nhiên, hiện có một số nội dung thay đổi so với chủ trương đầu tư đã phê duyệt. Bộ đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư và thực hiện các thủ tục, trình tự theo quy định pháp luật.

Liên quan đến đề xuất xây dựng vùng tưới của công trình thủy lợi Ia Mơ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết: Bộ thống nhất phương án giữ lại, không chuyển mục đích sử dụng 4.757 ha rừng tự nhiên để làm khu tưới như phương án ban đầu, đồng thời đề nghị chuyển đổi sang khu tưới khác như tỉnh Gia Lai đã đề nghị.

Bộ đã giao cho Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 phối hợp cùng các cơ quan liên quan rà soát việc đề xuất điều chỉnh, mở rộng khu tưới thuộc dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơ.

Khi có kết quả chính thức, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, mở rộng khu tưới của dự án và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh trong trung hạn 2026-2030, đảm bảo phát huy mục tiêu, nhiệm vụ dự án đã đề ra.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với tỉnh Gia Lai nhằm tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trên lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: M.T

Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với tỉnh Gia Lai nhằm tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trên lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: M.T

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai, Bộ muốn tìm hiểu rõ hơn những khó khăn, vướng mắc để sớm tháo gỡ, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp, liên quan đến các dự án của Bộ và tỉnh đầu tư trong thời gian qua như công trình thủy lợi Ia Mơ hoặc dự án sắp tới là hồ chứa nước Ia Thul sẽ được khai thác hiệu quả tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, khó khăn của tỉnh Gia Lai cũng chính là của chung Tây Nguyên nên việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn hiện nay cần có cách tiếp cận mới.

Liên quan đến đề xuất chuyển đổi đất trồng cao su kém hiệu quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Việc đề xuất chuyển đổi rừng không chỉ cần văn bản đề nghị mà phải có hồ sơ đánh giá nguyên nhân, mục đích và phương án chuyển đổi; phải có chứng lý, tài liệu cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở đề xuất.

Mặt khác, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Gia Lai phải chuẩn bị kỹ tài liệu, hồ sơ về việc chuyển đổi diện tích rừng này để gửi các cơ quan chức năng xem xét, lấy ý kiến.

“Tôi đã chứng kiến những cây cao su ở Ia Mơ còi cọc như cây mía do trồng không hợp thổ nhưỡng. Nếu chuyển đổi những diện tích này sẽ tăng giá trị cho xã hội. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ điều đó. Đây không phải vấn đề của Gia Lai mà là vấn đề của Tây Nguyên, do đó cần phải làm hết sức nghiêm ngặt”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm