Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ 5G dù xuất phát điểm rất thấp.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng ẢNH MẠNH HÙNG |
Phát biểu tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam - phát triển và làm chủ công nghệ số (chiều 18.11), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở, và vì thế, nó phải rẻ như không khí.
"Công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở nữa, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Chúng ta cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ. Và vì thế mà giá công nghệ sẽ rẻ đi”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng khẳng định, công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Khác với trước đây phải mua một "black box", hiện nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN và mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở.
Không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù quy mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet, đã được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, đáp ứng các nhu cầu rất Việt Nam, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống lên trạng thái bình thường mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Bộ TT-TT đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.
Việt Nam hiện là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát thấp. Từng rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được. Tuy nhiên, hiện 2 doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước là Viettel và VinGroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT-TT đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN.
Trong đó, VinGroup tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm, và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế.
Theo Mai Hà (Thanh Niên)