Dự buổi lễ có đồng chí Phạm Thị Phước An-Phó Vụ trưởng Vụ công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc), cùng đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum.
Về phía lãnh đạo tỉnh Gia Lai có đồng chí Dương Mah Tiệp-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt này còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ: Ksor Phước-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; Hà Sơn Nhin-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Kpă Thuyên-nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngày 21-12-2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 145/2004/QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai.
Trải qua 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; bám sát tình hình yêu cầu thực tiễn để làm tốt công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Với vai trò cơ quan chuyên môn, Ban Dân tộc tỉnh luôn tận tâm đồng hành cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác dân tộc, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác dân tộc 20 năm qua cho thấy, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiếu số của tỉnh đã có nhiều chuyển biến khởi sắc. Kết cấu hạ tầng cơ sở được tăng cường đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 99,44% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 99,92% số thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 99,99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố hơn 93%;… Đi đôi với sự đổi thay về cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển dịch đúng hướng. Người dân được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất, được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiếu số hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều 2022-2025 giảm xuống chỉ còn 12,66%.
Công tác chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo được quan tâm toàn diện, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ và học tập của đồng bào dân tộc thiểu số. Bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, giữ gìn và phát triển. Khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.
Những kết quả nổi bật nêu trên có phần đóng góp không nhỏ của Ban Dân tộc tỉnh, thể hiện tinh thần nỗ lực, cố gắng phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ.
Tại buổi lễ, đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng gửi lời thăm hỏi, chúc mừng tới các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh qua các thời kỳ; tập thể Ban Dân tộc tỉnh cùng những người làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Ban Dân tộc tỉnh trong 20 năm qua, Phó Chủ tịch Dương Mah Tiệp nhấn mạnh, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách. Mặc dù có bước phát triển khả quan nhưng vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh. Trong thời gian tới, đồng chí Dương Mah Tiệp đề nghị Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân tộc.
Bên cạnh đó, tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, Chương trình phát triển mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; chủ động tham mưu, đề xuất các đề án, cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, nhằm khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi, chăm lo tốt hơn nữa đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số. Quan tâm công tác đào tạo, giáo dục con em là người dân tộc và khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai (21/12/2004-21/12/2024), thừa uỷ quyền, đồng chí Phạm Thị Phước An-Phó Vụ trưởng Vụ công tác Dân tộc địa phương đã trao bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho tập thể Ban Dân tộc tỉnh; tặng bằng khen cho 12 cá nhân là lãnh đạo, cán bộ, công chức có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn.
Trải qua 20 năm, thực hiện các chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc được UBND tỉnh giao, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các nội dung như: xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, định canh, định cư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 24.185 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Đến nay, các chương trình, chính sách đã đầu tư hỗ trợ được 30.580 căn nhà, 15.330 hộ được hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, xây dựng khoảng 1.484 km đường giao thông nông thôn, 448 km kênh mương nội đồng, 676 phòng học, 4.390 công trình nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 439.000 hộ thụ hưởng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 897.872 hộ, hỗ trợ định canh định cư cho 2.904 hộ, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 517.677 hộ, tổ chức cấp phát khoảng 6.454.416 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn...