Chính trị

Tin tức

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 10-7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton .

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư sẽ tiếp tục là trọng tâm và động lực của quan hệ giữa hai nước. Hai bên khẳng định sẽ cùng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường…, trong đó có việc đàm phán Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân dân sự (Hiệp định 123), hợp tác giáo dục trong khuôn khổ Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), các dự án hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…    

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Ngoại trưởng Mỹ tại Hà Nội ngày 10/7. (Ảnh AFP)
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Ngoại trưởng Mỹ tại Hà Nội ngày 10/7. (Ảnh AFP)

Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ hài lòng trước sự phát triển sâu rộng trong quan hệ và mong rằng hai bên tiếp tục nỗ lực nâng quan hệ hướng tới đối tác chiến lược. Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, mong muốn Việt Nam phát triển vững mạnh, ngày càng phát huy vai trò trong khu vực và trên thế giới. Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh cam kết hỗ trợ Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông (LMI).

Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ gỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), đáp ứng lợi ích của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tăng cường hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là vấn đề chất độc da cam/dioxin.    

Hai Bộ trưởng cũng thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên khẳng định tiếp tục cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, nhất trí những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đảm bảo tự do và an toàn, an ninh hàng hải.

Minh Thi (tổng hợp)
 

Có thể bạn quan tâm