Pháp luật

Tin tức

Bộ Tư pháp đã hoàn thành 137 nhiệm vụ được giao trong năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 19-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và triển khai công tác năm 2023. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thành Long-Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: R'Ô HOK
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: R'Ô HOK

Theo đó, trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 137 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận, trả lời 638 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương và 119 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc thẩm quyền.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đã thẩm định 32 đề nghị xây dựng văn bản và 251 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo. Sở Tư pháp các địa phương thẩm định 308 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 4.675 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các Phòng Tư pháp thẩm định 2.836 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp cũng đã kiểm tra theo thẩm quyền 4.586 văn bản (gồm 341 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 4.245 văn bản của địa phương), tăng 32,32% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 32 điều ước quốc tế (tăng 4 văn bản so với cùng kỳ năm 2021); góp ý 150 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Đã tiếp nhận 3.741 yêu cầu ủy thác tư pháp; đã trả 2.757 kết quả ủy thác tư pháp; cấp 7 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 549.271 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp (giảm 12,7% so với năm 2021); phát miễn phí hơn 62 triệu bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp nhận 99.624 vụ việc hòa giải, với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 81,85% (cao hơn 1,62% so với năm 2021). Toàn ngành cũng đã thực hiện 45.636 vụ việc trợ giúp pháp lý (tăng 18,1% so với năm 2021). Trong đó, có 38.497 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm khoảng 85% tổng số vụ việc. Đến nay, cả nước có 9.938 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 93,5%.

Ngoài ra, ngành Tư pháp cũng đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho hơn 1,7 triệu trường hợp (giảm 36,2% so với năm 2021), hơn 743.622 trường hợp khai tử (tăng 21,4% so với năm 2021); 732.454 cặp đăng ký kết hôn (tăng 47% so với năm 2021); thực hiện được gần 9,6 triệu việc chứng thực hợp đồng, giao dịch, chữ ký và các văn bản thỏa thuận khác (tăng 37% so với năm 2021); cấp hơn 1 triệu phiếu lý lịch tư pháp (tăng 82% so với năm 2021) và đã công chứng được hơn 8,9 triệu hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác (tăng 42,8% so với năm 2021), đóng góp cho ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế hơn 406 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Bộ Tư pháp cũng đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 172 công chứng viên, nâng số lượng công chứng viên hiện nay lên 3.199 người; cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 947 trường hợp; cấp và gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho 53 luật sư nước ngoài; các luật sư đã thực hiện 115.402 vụ việc, nộp thuế gần 268 tỷ đồng.  Cũng trong năm 2022, hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong 538.630 việc (tăng 9,04% so với cùng kỳ năm 2021), đạt tỉ lệ 82,51%, tương ứng với hơn 75.035 tỷ. Cả nước cũng đã thực hiện giám định tư pháp đối với 301.328 vụ việc.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp.

Chú trọng đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; thực hiện đồng bộ, có hệ thống các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, tham mưu các giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, Ngành.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác truyền thông về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp và truyền thông chính sách; kịp thời chia sẻ cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm