Dự kiến chiều ngày 30/1, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án “Sự cố y khoa làm 9 người chết khi chạy thận” xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Bộ Y tế không có bị cáo góp mặt, và đứng ngoài với tính chất góp phần dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng này (?)
Chiều ngày 25/1, sau khi kết thúc phần xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm (TAND tỉnh Hòa Bình), 7 bị cáo được nói lời sau cùng và tiếp theo Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành nghị án, dự kiến sẽ tuyên án đối với 7 bị cáo vào chiều ngày 30/1. Đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, tạo ra đau đớn, u ám bao chùm Ngành Y tế.
Trong vụ án này, 7 bị cáo bị xét xử với các tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Vô ý làm chết người”. TAND tỉnh Hòa Bình sẽ có bản án thấu, tình đạt lý, đúng người, đúng tội dành cho các bị cáo. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng (CA, VKS, TA) có bỏ lọt tội phạm hay không là câu chuyện khác, chưa bàn tới. Vấn đề lớn không thể không đặt ra: Rõ ràng đây là sự cố y khoa nghiêm trọng, vậy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế ở đâu trong vụ án này?
Không thể phủ nhận vai trò, trách nhiệm đặc biệt quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế vì nó liên quan mật thiết và tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. Nhưng vai trò, trách nhiệm đó đã bị buông lỏng một bàng quan thế này đây. Xin lược trích nhận định trong cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình, có thể xem như những cáo buộc trách nhiệm của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về y tế với 9 cái chết oan uổng. Cáo trạng của VKS nhận định: “Kỹ thuật nhân tạo là kỹ thuật được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện tuyến trên.
7 bị cáo nói lời sau cùng tại phiên tòa. (Ảnh: Tri thức trẻ)
Nhưng cho đến nay khi sự cố y khoa xảy ra thì Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ để áp dụng trong thực tiễn, không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO (nguyên nhân gây ra 9 cái chết - PV)”. VKS cũng chứng minh rằng: “Ngày 13/4/2018 (tức khoảng 11 tháng sau sự cố chết 9 người), Bộ Y tế mới có quyết định số 2482/QĐ-BYT ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật nhân tạo với 52 quy trình kỹ thuật thận nhân tạo. Đến nay Bộ Y tế cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định cụ thể nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn để sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo; thiếu những quy định cần thiết để quản lý đầy đủ, chặt chẽ hoạt động liên kết đặt máy chạy thận nhân tạo giữa bệnh viện và nhà sản xuất, cung ứng cũng như việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các đơn vị thực hiện chức năng chữa bệnh suy thận bằng kỹ thuật thận nhân tạo”. Và có lẽ cả triệu bệnh nhân đang chạy thận trên khắp cả nước sẽ bàng hoàng với nhận định của VKS về sự cố y khoa này: “Có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý nhà nước và kiểm soát chất lượng nước dùng để lọc máu chạy thận nhân tạo nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đây được xác định là một trong những thiếu sót, sở hở nghiêm trọng, là điều kiện góp phần dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng ngày 29/5/2017 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quá trình điều tra, xác định BVĐK Hòa Bình, sở Y tế Hòa Bình và Bộ Y tế chưa có các hoạt động kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chuyên sâu về hoạt động lọc máu chu kỳ tại đơn nguyên lọc máu của BVĐK Hòa Bình”.
Thế là đã rõ phần trách nhiệm của Bộ Y tế rồi. Vậy, cớ gì tại phiên tòa không có sự góp mặt của đại diện Bộ Y tế, chí ít cũng để nói lời xin lỗi với gia đình các nạn nhân trước công lý, đồng thời lý giải, nhận trách nhiệm về những thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng trong công tác quản lý nhà nước để người bệnh và nhân dân cả nước an lòng?
Cần nhắc lại rằng, với trách nhiệm là người đứng đầu BVĐK Hòa Bình, nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương bị xét xử về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thưa Bộ trưởng Bộ Y tế, tại phiên tòa, bị cáo Dương sau khi xin lỗi gia đình các nạn nhân đã nói lời sau cùng thế này: “Tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của người đứng đầu”.
Vụ án vẫn chưa đến hồi kết, Bộ trưởng Y tế nên tự vấn trách nhiệm người đứng đầu là vậy.
Đỗ Lê Tảo (DNVN)