(GLO)- Sáng 29-6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương-Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng Kế hoạch phân bổ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực y tế và tiến độ tiêm chủng phòng Covid-19.
Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và một số đơn vị y tế.
Theo Bộ Y tế, báo cáo của 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học thì có 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Về trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư, tiêu hao hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất thiếu chủ yếu là hóa chất xét nghiệm; có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai-mũi-họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp…
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân thiếu thuốc, trang-thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất là do tác động của các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, giai đoạn 2020-2021 là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch; nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động; việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cho phòng-chống dịch bệnh và khám-chữa bệnh càng trở nên khó khăn.
Trong giai đoạn dịch bệnh, một số cơ sở y tế tại địa phương đã phải phong tỏa tạm thời để tập trung công tác phòng-chống dịch; số lượng bệnh nhân đến khám trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với thời gian trước đã làm ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và triển khai kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế. Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị…
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến hết ngày 27-6-2022, cả nước đã tiêm được 230.933.469 liều/225.451.196 liều vắc xin phân bổ 150 đợt, tỷ lệ sử dụng đạt 100%. Trong đó, tiêm cho đối tượng từ 18 trở lên, mũi 1 và mũi 2 đạt 100%; mũi 3 đạt 66,3% và mũi 4 đạt 24,7%. Đối tượng từ 12 đến 17 tuổi, mũi 1 đạt 100%; mũi 2 98,4%, mũi 3 đạt 6%. Đối tượng từ 5 đến 11 tuổi, mũi 1 đạt 50,4%; mũi 2 16,6%.
Tại Gia Lai, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, hầu hết các đơn vị không có tình trạng thiếu thuốc vì số lượng thuốc đấu thầu tập trung tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2022 cơ bản đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh tại 23 cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hiện tại hầu hết các đơn vị không thiếu vật tư, hóa chất do chủ động mua sắm theo nhu cầu công tác khám-chữa bệnh và nguồn kinh phí được giao.
Tuy nhiên, dự báo từ nay đến ngày 1-1-2023, có khả năng một số cơ sở y tế sẽ xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ đối với một số thuốc cấp cứu và thuốc chuyên khoa đặc trị.
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến hết ngày 27-6-2022, Gia Lai đã tiếp nhận 54 đợt vắc xin Bộ Y tế phân bổ với tổng số vắc xin thực nhận là 3.381.782 liều. Qua đó, đã tiêm cho đối tượng từ 18 trở lên, mũi 1 đạt 103,96%; mũi 2 đạt 98,16%; mũi 3 đạt 82,5%; đồng thời, triển khai tiêm mũi bổ sung đạt tỷ lệ 23,7%; tiêm mũi nhắc lại 58,8% và tiêm mũi nhắc lại lần 2 đạt tỷ lệ 4,39%. Đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1 đạt 104,94%; mũi 2 đạt 96,6%, mũi 3 đạt 8,18%. Đối tượng từ 5 đến 11 tuổi, mũi 1 đạt 64,1%; mũi 2 đạt 13%.
Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng. Ảnh: Như Nguyện |
Tại hội nghị, các địa phương, bộ, ban, ngành đã có nhiều ý kiến, đề xuất xung quanh công tác tiêm chủng phòng Covid-19, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng Kế hoạch phân bổ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, lĩnh vực y tế… Các ý kiến tại hội nghị được Bộ Y tế tiếp thu và giải đáp, đồng thời sẽ có văn bản trả lời cụ thể.
Kết luận hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương-Thứ trưởng Bộ Y tế-nhấn mạnh: Hiện nay tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường; các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh mùa hè khác cũng gia tăng. Vì vậy, cần tăng cường công tác phòng-chống, không lơ là, chủ quan. Đối với công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cần tăng cường, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, tránh gây ảnh hưởng và lãng phí ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tất cả các địa phương đảm bảo các đối tượng trong diện tiêm chủng phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong trường hợp địa phương không tiếp nhận vắc xin như đã được phân bổ hoặc điều chuyển vắc xin thì phải có văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thông báo, gửi báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế và phải khẳng định, cam kết rằng các đối tượng tiêm chủng đều đã được tiêm vắc xin theo hướng dẫn, từ đó Bộ Y tế mới có căn cứ thuyên chuyển phần vắc xin không sử dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng chỉ thị về tiêm vắc xin phòng-chống dịch Covid-19; trong đó, Bộ Y tế sẽ đưa vào các biện pháp để tăng tốc độ tiêm vắc xin.
Thuốc, vật tư y tế có vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng-chống dịch… Vì vậy, đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo theo thẩm quyền quản lý, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Về những vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, Bộ Y tế tiếp thu và sẽ triển khai kịp thời những biện pháp tháo gỡ và điều chỉnh các văn bản phù hợp…
Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực y tế, đề nghị các địa phương nhanh chóng rà soát theo các tiêu chí và xây dựng các dự án gửi về Bộ Y tế trước ngày 4-7-2022.
NHƯ NGUYỆN