Bộ Y tế
Kiến nghị:
Đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên từ 30% lên 50% vì đây là đối tượng sống phụ thuộc vào bố mẹ, chưa có thu nhập.
Trả lời:
Chính sách bảo hiểm y tế nước ta hướng tới mọi người dân, người lao động, trong đó có học sinh, sinh viên. Nhờ sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn nên bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ. Bộ Y tế sẽ tổng hợp tham mưu báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đảm bảo sự công bằng, phù hợp giữa các nhóm đối tượng và quy định của pháp luật.
Kiến nghị:
Đề nghị Bộ Y tế đưa vào danh sách đấu thầu tập trung cấp quốc gia các thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất, vì theo danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10-8-2020 của Bộ Y tế không có danh mục thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất.
Trả lời:
Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, hướng thần, tiền chất hiện đang được quản lý rất chặt chẽ theo các quy định tại Luật Dược, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 của Chính phủ quy định một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Dược, Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10-5-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hiện tại, do các thuốc này được quản lý chặt chẽ để bảo đảm việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội nên chỉ có một số ít đơn vị kinh doanh.
Trong quá trình ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Bộ Y tế cũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan về việc đưa các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, hướng thần, tiền chất vào danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia để mua sắm cho cả nước bảo đảm mục tiêu giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, xét đến khía cạnh bảo đảm cung ứng, các thành viên Ban soạn thảo Thông tư, cũng như các thành viên Hội đồng tư vấn có ý kiến đề nghị xem xét việc bổ sung với lý do: Có ít đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối mặt hàng thuốc này. Trong trường hợp các thuốc này có trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, vì lý do nào đó tổ chức đấu thầu quốc gia không thành công sẽ phải tiến hành tổ chức đấu thầu lại, làm kéo dài thời gian mua sắm, điều này gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh (đấu thầu quốc gia là đấu thầu rộng rãi, thời gian thực hiện tối thiểu phải mất ít nhất 3 tháng). Các thuốc này không có trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, các cơ sở y tế sẽ tự tổ chức lựa chọn nhà thầu và chủ động lựa chọn áp dụng các hình thức mua sắm khác (mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh...) để mua sắm bảo đảm nguồn cung.