Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo Bộ Y tế, năm 2024, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng chung đến y tế toàn cầu, trong đó có nước ta. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, ngành Y tế đã triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Y tế đã hoàn thành 3 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch giao là: 14 bác sĩ/10.000 ngàn dân; 34 giường bệnh/10.000 dân.
Năm 2024, Bộ Y tế đã tập trung tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng, hoàn thiện 2 luật để Chính phủ trình Quốc hội thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Ngoài ra, hoàn thiện, đưa Luật Đấu thầu và Luật Giá đi vào thực tiễn; ban hành nhiều thông tư, văn bản thiết thực gỡ khó cho các cơ sở y tế, phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Ngành Y tế đã có nhiều bước tiến trong chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác khám, điều trị và cải cách hành chính góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện sức khỏe, nâng cao tuổi thọ người dân, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Tuy nhiên, ngành cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Đặc biệt, tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp, nhất là ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học với nhiều người mắc và ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố. Thống kê, 11 tháng của năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 4.800 người mắc và 21 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, tăng 7 vụ với 2.677 người mắc, giảm 7 trường hợp tử vong.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị đã trình bày các tham luận và tập trung thảo luận, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả công tác y tế trong năm 2025.
Theo Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2025, ngành Y tế tập trung và ưu tiên thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Trọng tâm là tiếp tục sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư thiết thực phục vụ ngành Y tế và người dân; xây dựng và trình ban hành các đề án về cấp cứu ngoại viện; hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính.
Tập trung xây dựng, áp dụng các quy trình chuẩn (ISO), hoàn thiện thêm các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết công việc theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian; đồng thời đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền tối đa theo thẩm quyền của Bộ Y tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long biểu dương các kết quả đạt được, đồng thời đề nghị ngành Y tế tập trung xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực y tế dự phòng; triển khai các nội dung, chính sách dân số để bảo đảm mức sinh thay thế. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng ngành Y tế trong triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Hội nghị cũng đã công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ.