Với các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và lựa chọn kháng sinh để điều trị.
Ngày 11-7, trước tình hình bệnh dịch bạch hầu có diễn biến phức tạp ở tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, trong đó đã ghi nhận 1 ca tử vong ở Nghệ An, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi sở y tế 2 địa phương trên về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bạch hầu.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Bắc Giang và các đơn vị chức năng khẩn trương tập huấn nhắc lại Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.
Các trường hợp nghi mắc bạch hầu cần cho sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu |
Đặc biệt, đối với các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dễ lây nhiễm |
Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Bắc Giang cần chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lưu ý, ngành y tế 2 địa phương trên chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.