Du lịch

Hành trang lữ hành

Bội thu khách du lịch dịp Tết Nhâm Dần: Hy vọng ngành du lịch sớm phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kỳ nghỉ Tết mới đây, nhiều địa phương và các điểm du lịch nổi tiếng đã đón một lượng lớn du khách gia tăng đột biến. Kể từ khi đại dịch xảy ra, đây là lần đầu tiên ngành du lịch đón lượng du khách “khủng” làm phấn khởi những đơn vị làm du lịch, thắp lên ngọn lửa hy vọng ngành du lịch sẽ sớm được phục hồi. 

 
Du khách xếp hàng chờ được đi cáp treo tại núi Bà trong những ngày Tết. Ảnh: H.C
Du khách xếp hàng chờ được đi cáp treo tại núi Bà trong những ngày Tết. Ảnh: H.C
Lượng khách tăng đột biến
Kỳ nghỉ Tết vừa qua, nhiều tỉnh địa phương ghi nhận có sự tăng trưởng đột biến về khách du lịch. Theo thống kê từ UBND tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 29 Âm lịch đến mùng 3 Tết Âm lịch, lượng khách đến với khu du lịch Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) đạt hơn 4.000 người; Đền Cửa Ông đón hơn 5.000 lượt người; Vịnh Hạ Long có gần 2.000 du khách tham quan.
Còn tại Đà Nẵng lượng khách đến dịp Tết cũng tăng khoảng 16,71% so với năm 2021, ước đạt 35.939 lượt khách, trong đó khách nội địa là 35.204 lượt, tăng 16% so cùng kỳ (khách lưu trú là 25.500 lượt, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ). Công suất phòng tại các khách sạn 4 - 5 sao, các khu nghỉ dưỡng vào ngày cao điểm Tết (từ mùng 2 đến 5 Tết Âm lịch) đạt đến 70%, cá biệt có nhiều khách sạn hạng sang đạt công suất 100% và xảy ra hiện tượng “cháy phòng” tại Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu,...
Đại diện Sun World BaDen Mountain cho biết, năm nay, lượng khách đến với Sun World BaDen Mountain (núi Bà Tây Ninh) tính từ mùng 1 đến 4 Tết Âm lịch hơn 150.000 lượt khách ghé thăm, dự kiến lượng khách đến núi Bà sẽ tiếp tục gia tăng từ nay cho đến rằm tháng giêng âm lịch.
Bà Lê Thị Thanh Thái - PCT Phụ trách đối ngoại Khu du lịch The Grand Hồ Tràm Strip cho biết, khu du lịch vừa mới khai trương khu phòng nghỉ resort Holiday đẳng cấp quốc tế 5 sao với quy mô lên đến gần nghìn phòng để kịp phục vụ du khách dịp Tết này. Tuy nhiên, hiện các phòng nghỉ tại đây đều đã được khách đăng ký kín phòng từ mùng 2 Tết đến 10 Tết. 
Ông Đỗ Văn Thức - PGĐ Công ty Cổ phần Du lịch Đất Việt cho biết, kế hoạch làm việc của công ty là nhận tour đến ngày 29 Tết là đóng sổ. Tuy nhiên, do lượng khách đăng ký ngày càng tăng, dẫn đến công ty làm việc xuyên Tết, bố trí nhân viên làm việc để đăng ký tour du xuân cho khách. Những điểm du xuân trong nước, đang được nhiều du khách lựa chọn là Hồ Tràm, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Sapa,...
Có những lợi thế riêng, Phú Quốc được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút lượng lớn khách đến nghỉ dưỡng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trong đó, đảo ngọc Phú Quốc đã xác lập con số kỷ lục là gần 70.000 lượt khách tham quan du lịch vào 4 ngày nghỉ Tết, kể từ lúc đại dịch xảy ra. Tính từ ngày 1 đến 3.2.2022 (mùng 1-3 Tết Âm lịch), Phú Quốc đón khoảng 60 - 62 chuyến bay/ngày và từ mùng 4 đến 6 Tết Âm lịch, số chuyến bay dao động từ 52 - 56 chuyến/ ngày.
Bày tỏ sự lạc quan trước tình hình khách đến đảo Ngọc dịp Tết Nguyên đán 2022, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc - cho biết, hiện Phú Quốc đã sẵn sàng đón du khách trong nước và quốc tế đến Phú Quốc cũng như vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các công tác phòng chống, dịch để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa đảm bảo thích ứng trong bối cảnh tình hình mới.
Đánh giá về lượng khách trong dịp Tết vừa qua, chị Nguyễn Thanh Trang - Sales Manager chuyên trang du lịch Travel To Old cho hay, du khách sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã rất nóng lòng được trở lại với cuộc sống bình thường mới. Vì thế, những ngày nghỉ Tết là thời điểm đẹp để du khách có thể thoải mái, thoả mãn nhu cầu đi chơi và nghỉ dưỡng. Còn với người làm du lịch, đây lại là một tín hiệu vui cho một sự khởi động đầy tích cực của ngành công nghiệp không khói. Trong năm 2022, du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc khi có công bố chính thức thời điểm mở cửa.
Kỳ vọng lớn khi du lịch Việt Nam mở cửa trở lại
Trước thực trạng bội thu khách du lịch trong kỳ nghĩ Tết, cộng với chủ trương của Chính phủ là mở cửa du lịch từ cuối tháng 3.2022, ngành du lịch đang có những kỳ vọng lớn về “bùng nổ” du lịch để sớm được phục hồi. Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng đề ra, không ít doanh nghiệp lữ hành cho rằng, du lịch cần nhất là phát triển sự bền vững và sự đồng lòng của các sở ban ngành, các địa phương.
Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) nhìn nhận, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm đến 10% GDP của cả nước, nên việc sớm phục hồi du lịch là hết sức cấp thiết cho nền kinh tế hiện nay. Mở cửa du lịch cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khi trở lại Việt Nam sẽ có sức bật mạnh mẽ, các cơ quan chức năng cần phải có những cơ cấu sau dịch COVID-19 để khắc phục những tổn thất và tái cấu trúc các loại hình hoạt động du lịch.
“Trước mắt nên tập trung vào thị trường du lịch nội địa trước khi phục hồi trở lại du lịch quốc tế. Đó cũng là một trong những cách thích ứng linh hoạt, và dù có gặp bất cứ trường hợp nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể kiểm soát mà không còn bị hoang mang hay thiếu chủ động như trước đây. Điểm mấu chốt để kích cầu du lịch nội địa hay thu hút du khách quốc tế trở lại chính là truyền thông mạnh mẽ đến người dân cả nước và bạn bè thế giới rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn trong trạng thái bình thường mới” - ông Đặng Thanh Tùng nói.
Còn theo bà Trần Nguyện - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sun World (thành viên Sun Group), trong suốt 2 năm dịch bệnh, Sun Group cũng đã nỗ lực, biến “nguy thành cơ” để tận dụng thời gian tái đầu tư, đầu tư mới, bảo trì và bảo dưỡng, duy trì và giữ được lực lượng lao động 100%. Đối với lộ trình mở cửa du lịch, Sun Group cũng đưa ra một số đề xuất đáng chú ý như đối với thị trường quốc tế cần đảm bảo các điều kiện mà Chính phủ đưa ra; tạo điều kiện thuận lợi về chính sách cho du khách đến từ các thị trường trọng điểm gồm Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nga…
Ngoài ra, có chính sách tái cấu trúc thị trường du lịch bao gồm ra các bộ quy tắc ứng xử trong ngành du lịch và các bên cung cấp dịch vụ để định hướng phát triển du lịch bền vững. Với thị trường nội địa, cần tập trung vào công tác truyền thông mạnh mẽ về du lịch an toàn, khám phá thiên nhiên, du lịch sức khoẻ, du lịch trải nghiệm… Đồng thời đề xuất Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) bổ sung, thay thế các năng lực và nguồn nhân sự trẻ năng động, có nhiều sức sáng tạo, đặc biệt là ở chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đây là một trong những nhân tố hỗ trợ tích cực nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam có thể sớm hồi sinh.
Ông Đỗ Vắn Thức - PGĐ Công ty Cổ phần Du lịch Đất Việt (Đất Việt Tour) - cho biết, việc mở cửa để đón du khách quốc tế được ví như những cơn mưa, tưới mát xuống những “vùng nắng hạn” chính là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. “Chúng ta không nên bàn mở lúc nào ngày nào mà bàn về giải pháp mở càng sớm càng tốt và mở thế nào cho phù hợp. Nếu không hành động, nếu không bàn giải pháp thì sau 1 năm nữa mở cũng sẽ lúng túng, phải bắt tay ngay có phát sinh rồi chỉnh sửa hoàn thiện, trễ quá chắc không còn doanh nghiệp nào đủ sức gồng gánh trụ nổi. Khi mở chúng ta cần thống nhất xuyên suốt từ trên xuống dưới, chứ không thể mỗi địa phương  một kiểu khác nhau, miệng mở nhưng tay kéo cửa đóng lại thì rất mệt” - ông Thức nói.
Trong Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 1, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp lữ hành đang gặp một số quy định khắt khe, nên cân nhắc mở rộng hoặc thậm chí loại bỏ nhằm giúp đơn vị lữ hành có thể nhanh chóng thực thi vào thời điểm mở cửa du lịch sau này. Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Vũ Thế Bình mong muốn, Bộ  VHTTDL sẽ xây dựng những chiến dịch xúc tiến du lịch cụ thể tại các điểm du lịch tiềm năng, đồng thời có những kinh phí xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp.
HUÂN CAO - MAI CHÂU (LĐO)
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/boi-thu-khach-du-lich-dip-tet-nham-dan-hy-vong-nganh-du-lich-som-phuc-hoi-1001645.ldo

Có thể bạn quan tâm