Quãng nghỉ 3 tuần lễ để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tràn lan ở sân cỏ nước Anh rất có thể sẽ là nguồn khởi phát cho những bất đồng mới của làng cầu xứ sở sương mù.
Bốn giải đấu hàng đầu tại Anh có thể sẽ được tiếp tục trở lại kể từ ngày 3-4 nhưng truyền thông nước này sớm dự báo sẽ có biến động mạnh, đặc biệt ở Giải Ngoại hạng, khi các đội bóng có rất nhiều lý do để từ chối ra sân. Nghịch lý có thật này xuất phát từ chính những diễn biến thực tế xảy ra trong vài ngày qua khi quả bóng chỉ vừa ngừng lăn vì dịch Covid-19.
Từ thực tế các đội bóng, truyền thông Anh đã đúc kết và đưa ra nhiều quan điểm để cho thấy các giải bóng đá có thể sẽ "vỡ trận", khó có thể tiếp tục trở lại đúng hạn, kể cả khi được phép. Đầu tiên là danh sách các cầu thủ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cứ dài ra trong những ngày qua và sẽ còn nữa trong 3 tuần tạm nghỉ.
Hiện tại, Arsenal, Chelsea, Leicester, Bournemouth, Man City, West Ham, Brighton và Everton là những đội bóng có ít nhất một người mắc Covid-19, dẫn đến mọi thành viên của CLB phải chịu cách ly. Việc khủng hoảng nhân sự trên diện rộng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng cực lớn đến mọi kế hoạch, bản thân các cầu thủ không lây nhiễm cũng khó duy trì được thể lực và phong độ.
Người dân Anh lo lắng về dịch bệnh, không ngó ngàng tới giải đấu bị hoãn Ảnh: REUTERS |
Cũng từ khả năng sẽ còn có thêm nhiều cầu thủ mắc Covid-19, tính toàn vẹn và sự công bằng của giải đấu khó lòng được bảo đảm một khi không phải mọi đội bóng khi trở lại đều có được trạng thái tinh thần và thể lực tốt như nhau. Chỉ riêng yếu tố này cũng là điều bất khả thi.
Bốn giải đấu hàng đầu phải nghỉ 3 tuần, tức thời gian kết thúc giải phải lùi lại, không rơi vào khoảng trung tuần tháng 5 như đã định. Chính điều này làm nảy sinh phiền toái rất lớn, bởi theo dự kiến, sẽ có 69 cầu thủ thuộc biên chế các CLB Ngoại hạng đáo hạn hợp đồng vào ngày 30-6, trong đó có rất nhiều ngôi sao như Willian, Pedro (Chelsea), Vertonghen (Tottenham), Nemanja Matic (Man United)...
Giải không kết thúc đúng lịch, trong trường hợp các cầu thủ này đạt thỏa thuận chuyển nhượng đến những đội khác sẽ phải tính toán ra sao, kể cả những người ở lại muốn cống hiến nốt thì sẽ gắn bó theo hình thức nào. Ngoài ra, nếu các cầu thủ này được mời tái ký nhưng cũng đồng thời nhận được đề nghị tốt hơn từ các đội bóng khác, CLB chủ quản hiện tại sẽ thiệt hại đáng kể bởi các nhà đại diện cầu thủ chắc chắn sẽ tranh thủ đòi hỏi nhiều hơn.
Chỉ là một số ít nhưng những đại diện nước Anh còn lại tại đấu trường châu Âu - Man City, Chelsea ở Champions League và Man United, Wolverhampton tại Europa League - cũng có những vấn đề riêng một khi các đội bóng này đi sâu ở giải, không loại trừ khả năng tiến vào các trận chung kết.
Những lo lắng này không phải không có cơ sở, bởi cho đến chiều 15-3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Anh đã tăng lên 1.140 trường hợp, có 21 ca tử vong. Tình hình kiểm soát dịch bệnh chưa có tín hiệu lạc quan và vì thế, nếu cho rằng sân cỏ Anh có thể hoạt động trở lại đúng hạn định thực sự là quá sớm. Đó là lý do để trong vài ngày qua, nhiều quan chức cao cấp của LĐBĐ Anh và giải Ngoại hạng đều tỏ ra bi quan khi cho rằng mùa giải khó lòng kết thúc trọn vẹn.
Theo Đông Linh (NLĐO)