Thể thao

Tin tức

Bóng đá Việt Nam 2022: Vui, buồn lẫn lộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bóng đá Việt Nam năm 2022 nhiều tin vui nhưng cũng không ít chuyện buồn…

Chung kết AFF Cup mới đây được coi là điểm kết thúc cho bóng đá Việt Nam năm 2022, một giai đoạn mà những niềm vui và nỗi buồn hòa trộn vào nhau.

Những dấu mốc lịch sử

Năm 2022, trên thực tế, bắt đầu với tâm trạng không thực sự vui khi đội tuyển bóng đá nam thất bại tại bán kết AFF Cup 2020 (giải đấu bị hoãn do COVID-19 và diễn ra vào cuối năm 2021). Tuy nhiên, các cô gái vàng của đội tuyển nữ Việt Nam đã “xông đất” theo cách không thể tuyệt vời hơn.

Tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup và vô địch SEA Games trong năm 2022. Ảnh: VFF

Tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup và vô địch SEA Games trong năm 2022. Ảnh: VFF

Thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung lọt vào vòng play-off tại Asian Cup và có 2 trận thắng thuyết phục trước tuyển Thái Lan cùng Đài Loan (Trung Quốc) để lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự World Cup – giải đấu sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay.

Tiếp nối niềm vui lớn lao đó, tuyển nữ Việt Nam thể hiện ấn tượng tại SEA Games 31 trên sân nhà để thắng 5 trận liên tiếp, qua đó có kỳ lần thứ ba liên tiếp vô địch Đại hội thể thao khu vực, khẳng định vị thế của đội bóng giàu thành tích nhất.

Với đội tuyển bóng đá nam, việc lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 cũng là một dấu mốc quan trọng. Mặc dù suất vào vòng loại này đã có từ năm 2021 nhưng dấu ấn đặc biệt nhất của đội tuyển là chiến thắng 3-1 trước tuyển Trung Quốc đúng ngày mùng 1 Tết và sau đó là kết quả hòa 1-1 đầy quả cảm trên sân tuyển Nhật Bản.

U23 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games. Ảnh: VFF

U23 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games. Ảnh: VFF

Với bóng đá trẻ, dấu mốc của năm 2022 là chức vô địch SEA Games 31 trên sân nhà. Huấn luyện viên Park Hang-seo tiếp nối những ấn tượng cùng bóng đá Việt Nam khi giúp Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch sau khi đã giải cơn khát vàng SEA Games năm 2019.

Bên cạnh đó, đội U19 cũng góp phần vào khía cạnh thành công của năm 2022 với tấm vé dự vòng chung kết U20 Châu Á.

Trên khía cạnh cá nhân, Quang Hải và Huỳnh Như xuất ngoại là dấu mốc lịch sử và đặc biệt. Quang Hải là cầu thủ nam đầu tiên đến Pháp và dù chưa có nhiều dấu ấn thì sự quyết đoán trong lựa chọn chuyến phiêu lưu mới trong sự nghiệp trở thành cú hích quan trọng cho bóng đá Việt Nam.

Huỳnh Như và Quang Hải sang Châu Âu thi đấu. Ảnh: Lank FC/Pau FC

Huỳnh Như và Quang Hải sang Châu Âu thi đấu. Ảnh: Lank FC/Pau FC

Đến cuối năm, Công Phượng chọn trở lại Nhật Bản để thử thách bản thân một lần nữa, trong khi Văn Toàn sang Hàn Quốc.

Với Huỳnh Như, tiền đạo gốc Trà Vinh trở thành nữ cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Châu Âu và đã có sự hòa nhập tốt ở Bồ Đào Nha. Tiền đạo 31 tuổi trở thành tấm gương và hình mẫu cho các cầu thủ nữ trẻ phấn đấu, kích thích cho bóng đá nữ tiếp tục phát triển mạnh hơn.

Những chuyện buồn

Có những thành công nhưng cả tuyển nữ lẫn tuyển nam lại kết thúc năm theo cách không mấy vui vẻ. Tuyển nữ thua 2 trận liên tiếp với số lần thủng lưới lên đến con số 8 để kết thúc giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á ở vị trí thứ 4.

Huấn luyện viên Park Hang-seo chia tay bóng đá Việt Nam và đội tuyển nam không thể vô địch AFF Cup. Ảnh: Minh Dân

Huấn luyện viên Park Hang-seo chia tay bóng đá Việt Nam và đội tuyển nam không thể vô địch AFF Cup. Ảnh: Minh Dân

Với tuyển nam, hành trình tại AFF Cup đã không có kết thúc trọn vẹn khi thất bại trước tuyển Thái Lan ở chung kết. Tuy vậy, thất bại cũng sẽ giúp bóng đá Việt Nam nhìn nhận một cách thực tế về vị trí của mình để có những thay đổi cho tương lai.

Nói đến thay đổi, AFF Cup cũng là giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam. Sau 5 năm, huấn luyện viên người Hàn Quốc quyết định dừng lại, nhường chỗ cho một người khác, mang đến sự tươi mới hơn, thích hợp hơn cho tham vọng vươn mình tới World Cup của bóng đá Việt Nam.

Buồn, nhưng đây là sự thay đổi cần thiết cho bóng đá Việt Nam.

Chuyện trọng tài nóng suốt mùa giải V.League 2022, trong khi câu lạc bộ Sài Gòn FC thanh lý một loạt cầu thủ. Ảnh: VPF

Chuyện trọng tài nóng suốt mùa giải V.League 2022, trong khi câu lạc bộ Sài Gòn FC thanh lý một loạt cầu thủ. Ảnh: VPF

Gắn V.League vào một trong những câu chuyện buồn thì cũng không hoàn toàn đúng và sẽ là sự phủ nhận với nỗ lực của những người tổ chức. Tuy nhiên, vẫn sẽ phải nói về khía cạnh buồn nhiều hơn để tất cả cùng suy nghĩ về sự thay đổi.

Những sai sót của trọng tài trải dài trong cả mùa giải chứ không phải “hiện tượng nhất thời”, khiến cho hình ảnh cũng như chất lượng giải đấu bị ảnh hưởng. Và cũng bởi trọng tài nội không tạo được sự thuyết phục, ban tổ chức đã phải tiếp tục mời trọng tài ngoại đến điều khiển các trận quan trọng vào cuối mùa.

Đại hội khoá 9 - VFF được tổ chức cùng hy vọng vào những thay đổi mạnh mẽ trong tương lai. Ảnh: VFF

Đại hội khoá 9 - VFF được tổ chức cùng hy vọng vào những thay đổi mạnh mẽ trong tương lai. Ảnh: VFF

Bên cạnh đó, việc quyết định để mùa giải gián đoạn đến 4 tháng để nhường chỗ cho đội U23 đá SEA Games cũng chịu sự chỉ trích. Rồi chuyện tài chính, trong đó, Sài Gòn FC “tan đàn, xẻ nghé” khi kết thúc giải, một số câu lạc bộ nợ lương cầu thủ, có đội còn bị cổ động viên quay lưng vì thi đấu thiếu tích cực…

Như đã nói trên, không phải tất cả đều là màu u ám, nhưng để hướng đến tương lai, tất cả cùng phải thật sự nỗ lực, thật sự thay đổi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là vai trò định hướng và tầm nhìn chiến lược đối với bóng đá Việt Nam trên tinh thần của Đại hội VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026) là: “Chung tay vì nền bóng đá phát triển bền vững”.

Có thể bạn quan tâm