HLV Park Hang-seo nói rất đúng, một mình ông không thể giúp bóng đá Việt Nam duy trì được mạch thành tích lâu dài nếu như ông luôn “cô đơn”, không có sự chia sẻ thực sự từ các câu lạc bộ.
Sự “rụt rè” của thầy Park
Khi các đối thủ không có dấu hiệu dừng lại, bóng đá Việt Nam không thể “ngủ ngon” trên cả bình diện đội tuyển lẫn các đội trẻ. Chúng ta đang là đội bóng duy nhất của Đông Nam Á có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nhưng rõ ràng người Thái đang trở lại mạnh mẽ và cú bứt tốc của họ đã không chỉ lấy đi của Việt Nam ngôi vương khu vực mà còn đe dọa cả lộ trình tiếp cận thành tích châu Á. Ở cấp độ đội trẻ, sự âu lo bắt đầu hiện hữu cho chúng ta khi tại SEA Games 31 và sau đó là vòng chung kết U.23 châu Á 2022 rồi ASIAD 19; U.23 Singapore, Campuchia, Indonesia sử dụng chính đội hình dự AFF Cup để đấu với U.23 Việt Nam. Đúng là rất đáng quan ngại khi mục tiêu của Việt Nam là bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games trên sân nhà, đạt kết quả khả quan ở 2 sân chơi châu Á dành cho lứa trẻ, trong bối cảnh các đối thủ tiến bộ vượt bậc.
Trung phong giỏi tại Việt Nam đang thiếu và vài năm nay, không tìm ra người tốt hơn Đức Chinh (18). Ảnh: VFF |
Những trải nghiệm từ thực chiến ở giải đấu hàng đầu Đông Nam Á đã đem đến cho những đội bóng trẻ này nhiều thứ rất hay ho, mà đáng tiếc thay, nhiều cầu thủ trẻ U.23 Việt Nam không may mắn có được cơ hội ấy. Tại AFF Cup, ông Park đôn lên 6 cầu thủ U.23 nhưng chỉ duy nhất Văn Xuân được sử dụng 10 phút cuối trận bán kết lượt về với người Thái. Nhìn rộng hơn, trong suốt mấy tháng vừa qua, khi tuyển Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại thứ 2, thứ 3 World Cup và AFF Cup, ông Park cũng chưa thể đổi mới lực lượng mà chỉ dựa vào những trụ cột đã cùng ông đi qua bao thăng trầm suốt từ cuối năm 2017 đến nay. Sự “rụt rè” của ông Park có lẽ cũng xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa.
Vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn
Sau thành công vang dội của bóng đá Việt Nam năm 2018, 2019, ông Park bắt đầu lên tiếng khi cảm nhận được khoảng trống về lực lượng. Hai năm trước, ông từng phàn nàn: “Quanh đi quẩn lại, hàng tiền đạo của tuyển Việt Nam cũng chỉ có Tiến Linh, Đức Chinh, Công Phượng vì tôi tìm đỏ cả mắt tại V-League hay hạng nhất, không thể tìm thấy các tiền đạo trẻ mà giỏi. Các đội toàn sử dụng tiền đạo là ngoại. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và nhà tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam nên có những quy định mang tính bắt buộc về số lượng cầu thủ trẻ được ra sân ở mỗi trận đấu. Nếu không thì hàng tiền đạo tuyển Việt Nam sẽ bị khủng hoảng nhân sự trong nay mai”.
Câu cảm thán này được nhắc lại đến 2 lần năm 2020 và đến cuối năm 2021, sự khủng hoảng nhân sự ở mặt trận tấn công đã hiện hữu. Hiện tại, đội U.23 Việt Nam cũng có tiền đạo tương đối ổn nhưng ông Park vẫn không thể đưa lên tuyển vì lo ngại chất lượng của họ chưa thể so được với đàn anh.
Bóng đá Việt Nam đang như bị rơi vào vòng tròn luẩn quẩn, chưa có sự cộng hưởng thực sự từ các yếu tố có liên quan để đem lại sự bình ổn lâu dài. Một quan chức VFF từng cho hay: “Một nền bóng đá mạnh được xây dựng bởi 3 thành phần cốt lõi, gồm hệ thống bóng đá trong nước mạnh, chuyên nghiệp; công tác đào tạo trẻ bài bản, chuyên nghiệp; đội tuyển mạnh, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các thành phần cốt lõi này chưa tương hỗ được cho nhau”. V-League, giải đấu hàng đầu Việt Nam, tuy đã có sự cải tiến lớn về công tác tổ chức nhưng chưa thực sự đạt được 2 chữ chuyên nghiệp đúng nghĩa. Các CLB vốn được xem như “tế bào” của giải đấu vẫn còn chạy theo thành tích trước mắt, chưa thực sự coi trọng quyền lợi của đội tuyển. Mà một trong những minh chứng khó chối cãi là không sử dụng người trẻ. Các cầu thủ tiềm năng ít được mài giũa tại đấu trường lớn nhất là V-League. Họ chưa được trọng dụng một cách đúng mức từ chính những câu lạc bộ (CLB) chủ quản.
Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) từng có ý tưởng đưa vào điều lệ V-League quy định, mỗi đội ngoại hạng Việt Nam phải đăng ký 3 cầu thủ U.23/trận và sử dụng trên sân từ 1 - 2 cầu thủ. Ý tưởng này được đề xuất sau khi U.23 Việt Nam đoạt ngôi á quân U.23 châu Á 2018. Tuy nhiên, khi đưa ra bàn bạc, đã bị các đội phản ứng, bác bỏ và cho đến thời điểm V-League 2022 sắp khởi tranh, các nhà tổ chức cũng chưa thể tìm được tiếng nói chung với các đội về quy hoạch dùng cầu thủ trẻ. Nhìn dàn cầu thủ tham dự giải U.21 vừa qua cũng thấy, bóng đá Việt Nam có thể không hiếm tài nguyên. Tuy nhiên, chúng ta đã và đang lãng phí nguồn tài nguyên ấy.
Đâu mới là cốt lõi cho sự thịnh vượng một CLB ?
Bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định: “Tôi cho rằng cũng không cần thiết phải đưa ra quy định một cách cơ học là V-League phải sử dụng số lượng cầu thủ trẻ là bao nhiêu. Mà điều quan trọng là các CLB, ngoài đầu tư về chất lượng mặt sân, chăm lo chế độ dinh dưỡng… để nâng cấp trình độ - thể lực cầu thủ thì phải thật sự chú trọng khâu đào tạo trẻ. Bóng đá chuyên nghiệp là phải có nhiều tiền nhưng kể cả có nhiều tiền mà không biết cách tiêu tiền thì vừa không giải quyết được bài toán kinh tế, vừa không giúp được nâng cao chất lượng V-League và đội tuyển sẽ không được nhờ. Nhiều CLB sẵn sàng đổ hàng đống tiền sắm cầu thủ mà quên mất rằng, đào tạo trẻ mới là cốt lõi cho sự thịnh vượng của một CLB.
Quang Hải (phải) được thi đấu ở giải trẻ và bước lên V-League từ khá sớm. Ảnh: AFP |
Đào tạo trẻ không tốn kém bằng các hợp đồng chuyển nhượng, trả lương ngoại binh, mà hiệu quả lại rất thiết thực, lâu dài. Các đội đang phá vỡ dòng chảy tự nhiên của một nền bóng đá. Không phải đội bóng nào cũng sẵn sàng đầu tư nhiều tiền của để nuôi dưỡng lứa trẻ. CLB HAGL và CLB Hà Nội cho ra sản phẩm là những cầu thủ tốt mà đội tuyển được hưởng lợi, là bởi những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải, Duy Mạnh… được thi đấu ở giải trẻ và bước lên V-League từ khá sớm. Không nhiều đội bóng dám dùng cầu thủ 19, 20 tuổi để chơi tại V-League. Hãy nhìn sang Thái Lan, tài nguyên trẻ của họ đã nhiều lại được chăm sóc chuyên nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp và được tôn trọng tại Thai League nên đội tuyển Thái Lan không lo hụt hẫng thế hệ kế thừa”.
Bình luận viên Quang Huy cũng đưa ra một giải pháp đáng lưu ý: “Khi giải quốc nội chưa thể mạnh như ý muốn thì bóng đá Việt Nam vẫn có phương cách khác hỗ trợ đội tuyển. Như xuất khẩu cầu thủ đến những nơi phù hợp. Thái Lan cũng đã từng đi theo cách này và thành công”.
Chủ tịch Lê Khánh Hải xin rút, VFF sắp có lãnh đạo mới Bộ VH-TT-DL đã nhận được đơn xin rút khỏi chức danh Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) của ông Lê Khánh Hải. Lý do, công việc mà ông Hải đang đảm đương là Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước rất bận nên khó quán xuyến được việc quản lý bóng đá. Nhiều khả năng, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn sẽ tạm giữ chức quyền Chủ tịch VFF đến khi Đại hội nhiệm kỳ VFF khóa 9 được tổ chức vào tháng 12.2022 để bầu tân Chủ tịch VFF. |
Theo Nhật Duy (TNO)