Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

E-magazine Bóng ma FULRO ám ảnh dân lành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không nghi ngờ gì nữa, vụ khủng bố đẫm máu vào trụ sở Công an 2 xã ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đak Lak) và giết người vô cớ mà nhóm đối tượng thực hiện rạng sáng 11-6-2023 do bọn phản động giật dây, không phải bức xúc cá nhân. Hành vi manh động tàn ác là cách làm quen thuộc của tổ chức FULRO gần 60 năm trước đến nay. Đã có không ít dân lành Tây Nguyên chết oan uổng bởi sự tàn ác của bọn phản động này, nhất là những năm 1975 đến 1992 khi FULRO được thế lực chống phá Việt Nam dung dưỡng trong những cánh rừng ở tỉnh Mondulkiri, Campuchia.

Cần nói qua về tổ chức này. Ngày 20-9-1964, dưới sự chủ tọa của Quốc vương Campuchia Sihanouk, “Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức” đã thành lập (gọi tắt là FULRO). Được một số thế lực chống phá Việt Nam tiếp sức, nhóm này ẩn náu ở tỉnh Mondulkiri, giáp biên giới với Đak Lak để dễ cơ động phá hoại nước ta.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Sau khi miền Nam giải phóng (30-4-1975), chúng liên tục quấy nhiễu Tây Nguyên. Sự đấu tranh không khoan nhượng của đồng bào và chính quyền các cấp, cộng với những lời hứa của các ông chủ nước ngoài không thành hiện thực nên tổ chức này dần tan rã. Năm 1992, số tàn binh FULRO hơn 400 người được bảo trợ, đưa ra nước ngoài, hòng tính kế lâu dài chống phá Việt Nam.

Sang phương Tây, kết hợp với một số tổ chức phản động sẵn có hà hơi tiếp sức, chúng sử dụng thông tin liên lạc lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia một số tổ chức nhân danh tôn giáo. Đấy là “Tin lành Đê ga”, tà đạo “Hà Mòn”, “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”… Chúng cho rằng tôn giáo chính thống được cả thế giới công nhận, do Nhà nước ta cho phép hoạt động là “tôn giáo quốc doanh” không đáng tin cậy, phải là “hệ phái” do các phần tử này đẻ ra mới đáng tin tưởng. Nhưng thử xem “đấng cứu thế” lập ra tổ chức này là ai? Tà đạo “Hà Mòn” do Y Gyin (ở làng Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) “độ chế” cuối năm 1999. Y Gyin là con chiên của Thiên chúa giáo nhưng hành nghề thầy mo thầy cúng ở làng Kơ Tu (danh phận thường do nam giới đảm nhận).

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Năm 1999, khi hồ thủy điện Plei Krông ngập nước, làng Kơ Tu di chuyển đi nơi khác tái định cư, đời sống dân làng thay đổi, biết nghề thầy cúng hết đất sống, Y Gyin nói với người bổn đạo rằng mình được Đức mẹ hiện hình trao sứ mệnh truyền giáo, đạo riêng của Y Gyin. Lôi kéo giáo dân từ bỏ sinh hoạt đạo Công giáo cùng các phong tục tập quán truyền thống để theo tà đạo “Hà Mòn”, vốn đã bị FULRO thao túng. Tổ chức này nhân danh tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, lúc đầu một số người nhẹ dạ tin theo, dần dần thấy rõ chân tướng nên đến nay cơ bản đã tan rã.

Một đối tượng cốt cán phản động khác là A Ga, tự phong là mục sư điều hành “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, tháng 4-2023 đã bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đak Lak khởi tố về hành vi “Phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc”. A Ga vốn là đối tượng theo “Tin lành Đê ga”, sau khi vượt biên sang Thái Lan, được bảo lãnh sang Mỹ năm 2018. Năm 2019, nội bộ mâu thuẫn, A Ga đổi tên Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam lập năm 2017 thành “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”, mục đích là dễ lôi kéo các dân tộc Tây Nguyên chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, cách mà FULRO vẫn làm xưa nay.

Hành vi manh động, tàn sát cán bộ, chiến sĩ Công an, giết thường dân, đập phá tài sản ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đak Lak) ngày 11-6, người có lương tri ở thế giới văn minh không ai chấp nhận. Vậy mà một tờ báo lớn nước ngoài dẫn ý kiến một vị có chức sắc của tổ chức gọi là nhân quyền rằng: “Các nỗ lực có chủ đích của Việt Nam nhằm cô lập và tách các khu vực cao nguyên này cùng với người dân sinh sống ở đó khỏi sự tiếp xúc với cộng đồng quốc tế là một phần nguyên nhân dẫn đến sự cố như thế này. Đằng sau tấm màn bí mật mà Việt Nam phủ lên vùng cao nguyên, Chính phủ vi phạm nghiêm trọng các quyền, khước từ tự do tôn giáo và tín ngưỡng, chiếm đoạt đất đai các dân tộc bản địa và cố gắng cưỡng ép đồng hóa vào văn hóa, ngôn ngữ và xã hội dân tộc Kinh vốn ở thế áp đảo. Dù tổ chức theo dõi nhân quyền không bao giờ tán thành bạo lực, nhưng dễ hiểu tại sao người dân địa phương tức giận với Chính phủ Việt Nam và các chính sách đàn áp mà chính phủ này áp dụng”.

Dân gian Việt Nam có câu “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Đọc những lời bình phẩm kiểu “nghe hóng nói hớt” này, những người sống ở Tây Nguyên, đã từng đến Tây Nguyên, nghĩ ông ấy “ếch ngồi đáy giếng”. Nếu khước từ tự do tôn giáo và tín ngưỡng thì làm sao Tây Nguyên có hàng triệu người theo các tôn giáo khác nhau; nhà thờ, nhà nguyện, chùa chiền mọc khắp nơi như thế? Chỉ riêng Gia Lai có 422.000 đồng bào theo tôn giáo, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh (gồm 5 tôn giáo: Phật giáo 101.200 phật tử, trong đó, người dân tộc thiểu số hơn 2.000 phật tử; Công giáo 163.100 giáo dân, trong đó, người dân tộc thiểu số 90.000 giáo dân; Tin lành 154.951 tín đồ, trong đó, người dân tộc thiểu số 153.380 tín đồ…). Cơ sở thờ tự các tôn giáo toàn tỉnh Gia Lai gần 250 địa điểm. Còn cho rằng cô lập và tách Tây Nguyên khỏi cộng đồng quốc tế hẳn vị này không hiểu biết về công nghệ thông tin, không có kiến thức thực tế Tây Nguyên ngày nay!

Xóa đói giảm nghèo cho người dân các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung được Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, trở thành một trong những chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong xã hội ngày càng giảm. Nếu sau năm 1975, Gia Lai có trên 90% hộ dân nghèo đói thì nay cơ bản đã không còn hộ đói. Số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh còn 38.550 hộ (chiếm 10,06%), giảm 7.188 hộ so với năm 2021. Đưa ra những con số này để thấy rằng chính quyền các cấp luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho người dân, sự thay đổi chuyển biến từng ngày, hạ tầng nông thôn, bộ mặt các buôn làng khác xa những luận điệu mà các đối tượng phản động rêu rao.

Xin miễn bàn đến các ý kiến lạc lõng trên vài tài khoản Facebook, blog cá nhân của một số đối tượng bất mãn thời cuộc, mưu đồ hoang tưởng về giấc mơ úa tàn theo bọn phản động. Hầu hết người dân Tây Nguyên đoàn kết, gắn bó nhau, tương thân, tương ái cùng phát triển. Trình độ dân trí, đời sống văn minh của người dân là thực tế không thể chối bỏ. Dù ở bất kỳ đâu hay trên quê hương, bất kỳ chế độ xã hội nào, phải lao động mới thụ hưởng thành quả. Chỉ những thanh niên lười nhác, ham chơi mới dễ tin có người trả tiền sau những hành động giết người, hủy hoại tài sản, không làm mà sẽ có trăm triệu đồng, có nhà cửa do người khác làm ra.

Trong những năm tháng làm báo ở Tây Nguyên, chúng tôi đã gặp nhiều nạn nhân của các tổ chức ở nước ngoài, nhân danh nhân quyền, tự do tín ngưỡng, bảo vệ đồng bào dân tộc thiểu số song thực chất lại dụ dỗ, lừa gạt họ bỏ công bỏ việc, bỏ gia đình vợ con vượt biên rồi lăn lóc ở các trại tị nạn nước ngoài, một số bị buộc trả về, số ít được đưa sang phương Tây. Những lời hứa biến mất, họ phải lang thang kiếm sống, nhưng không có nghề nghiệp, đâu dễ kiếm việc làm. Số khác tiếp tục tuyên truyền dụ dỗ, lôi kéo đồng bào trong nước theo mệnh lệnh của những kẻ đứng sau giật dây để kiếm miếng ăn.

Dù đã được phong là “Phó Tổng thống” nhưng do không có tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ về kinh tế, tôi phải vất vả mưu sinh nơi đất khách, làm nhân viên vệ sinh, rửa chén ở một bệnh viện tại TP. Greensboro. Nhận ra bộ mặt thật của FULRO, đến năm 2009, tôi quyết định từ bỏ tổ chức này”.

Sau này nhiều lần được về thăm quê nhà ở làng Piơm (thị trấn Đak Đoa), tận mắt chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đi đâu ông cũng khuyên bà con dân làng, họ hàng đừng bao giờ tin theo bọn xấu, hãy lập nghiệp ngay chính ở quê nhà.

FULRO là tổ chức phản động, ngay từ khi ra đời đã sử dụng thủ đoạn dụ dỗ, lừa phỉnh, khủng bố đẫm máu để tồn tại. Những hành vi đi ngược lại thế giới văn minh loài người ấy chỉ lường gạt được một số kẻ nhẹ dạ, cả tin nhưng sớm muộn gì cũng bị vạch trần. Cùng với việc nhân danh tôn giáo để làm chính trị, các đối tượng phản động thường lợi dụng việc tranh chấp đất đai, khuếch đại những mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền địa phương hoặc giữa đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số. Thổi phồng, bóp méo sự thật rồi chụp mũ, quy kết thành vấn đề lớn, lấy cái cá biệt làm thành cái phổ biến.

Việc thông tin sai lệch và xuyên tạc như thế khiến cho một số đối tượng bên ngoài, chưa từng đến Tây Nguyên nhầm tưởng đa số người dân ở đây kham khổ, bị bức hại, thiếu tự do tôn giáo. Kỳ thực, nếu so sánh giữa một nhóm vài chục đến trăm đối tượng tham gia các tổ chức này với tổng số vài triệu bà con các dân tộc Tây Nguyên đang ngày càng ấm no, hạnh phúc mới thấy sự lạc lõng của các nhóm chống phá, mới rõ luận điệu phản động của các tổ chức này.

Có thể bạn quan tâm