Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu khai mạc BRICS 15. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi đã nhất trí về vấn đề mở rộng. Chúng tôi thông qua văn bản, trong đó đưa ra các chủ trương, nguyên tắc, quy trình xem xét các quốc gia mong muốn trở thành thành viên BRICS. Điều đó rất tích cực", Ngoại trưởng Naledi Pandor nói.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông ủng hộ việc mở cửa cho các thành viên mới.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho hay: “Chúng tôi đang trên đà mở rộng gia đình BRICS”.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các cuộc đàm phán diễn ra ở Johannesburg không nhằm mục đích "yêu cầu các nước chọn phe, hoặc tạo ra sự đối đầu trong khối, mà là để mở rộng kiến trúc của hòa bình và phát triển".
“BRICS, lực lượng thiện chí, tích cực và ổn định sẽ tiếp tục phát triển. Chúng tôi sẽ tạo dựng mối quan hệ đối tác chiến lược BRICS mạnh mẽ hơn, tích cực thúc đẩy mở rộng thành viên và giúp làm cho trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn", Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
Lời kêu gọi mở rộng BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bao trùm chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Johannesburg. Giới chức Nam Phi cho biết gần 20 quốc gia, nổi bật như Argentina, Algeria, Ai Cập, Iran, Indonesia và nhất là Ả Rập Saudi, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, khu vực chiếm 40% dân số thế giới và 1/4 GDP nền kinh tế toàn cầu.
Cùng với quyết định mở rộng thành viên, BRICS 15 cũng thúc đẩy cải cách hệ thống tiền tệ và sử dụng đồng tiền chung, kiến tạo một trật tự thế giới mới bao trùm hơn.
BRICS ra đời năm 2009, hiện chiếm hơn 40% dân số và 26% kinh tế thế giới. Sức hút của khối này thể hiện qua lời của giới chức Nam Phi, theo đó hơn 40 nước bày tỏ quan tâm đến việc là thành viên BRICS.