TN - Đất & Người

"Bữa cơm với người lạ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những “bữa cơm với người lạ” nhưng lại khiến người ta thật ấm lòng. Nhiều em nhỏ cũng hết sức vui mừng với những “bữa cơm có thịt”. Đó chính là tên của những chương trình thiện nguyện nhằm tiếp thêm động lực tinh thần cho các em nhỏ và bà con vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đak Lak vươn lên trong cuộc sống.
Những cô Tấm áo xanh
Con đường đất đỏ dẫn đến xã Cư Kbang (huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đak Lak) lởm chởm ổ gà. Mùa mưa ở đây làm con đường đất trở nên dẻo quánh, từng lớp đất bám chặt lấy bánh xe người đi đường nhưng không ngăn được bước chân của thanh niên tình nguyện đến với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa này.
 Các em nhỏ háo hức ăn cơm. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Các em nhỏ háo hức ăn cơm. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Trong câu chuyện của bà con nơi đây luôn có hình ảnh màu áo xanh của những thanh niên tình nguyện đã hóa thân thành cô Tấm dịu hiền, giúp làm bữa cơm ấm cúng cho những gia đình nghèo khó. Anh Nông Văn Khang (xã Cư Kbang) xúc động: “Gia đình phải chạy ăn từng bữa, vợ chồng con cái sáng sớm lên rẫy, đến chiều tối mới về nhà. Có hôm đi làm về gạo hết, vào nhà đã thấy sẵn một mâm cơm tươm tất, vợ chồng mừng quá ôm nhau khóc. Hỏi ra mới biết đây là chương trình “Bữa cơm với người lạ” được đoàn viên thanh niên huyện Ea Súp tổ chức”.
Bạn Nguyễn Thị Huyền-một thanh niên tình nguyện-chia sẻ: “Cứ đến 2 ngày cuối tuần là đoàn viên thanh niên lại về với bà con. Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào, cuộc sống khá cơ cực. Vì vậy, chúng tôi thực sự muốn giúp họ vượt qua khó khăn, có thêm động lực tinh thần để vươn lên trong cuộc sống”.
Anh Lê Hồng Hạnh-Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp-cho biết: “Bữa cơm với người lạ” được Huyện Đoàn triển khai từ năm 2014. Vào 2 ngày cuối tuần, các bạn trong đội công tác xã hội tuổi trẻ Ea Súp sẽ tự đóng góp 30-50 ngàn đồng, rồi chia thành nhiều nhóm (2-3 bạn/nhóm) về các xã đặc biệt khó khăn giúp dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm cho những gia đình nghèo khó. Đây là hoạt động hết sức thiết thực, giúp bà con nghèo vơi bớt nhọc nhằn, qua đó các bạn đoàn viên thanh niên cũng thêm trưởng thành nhờ biết sẻ chia.
Ấm lòng “Bữa cơm có thịt”
Khu tái định cư thôn Giang Đông (xã Ea Dah, huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak) được Nhà nước xây dựng để ổn định dân di cư tự do. Nơi này đất đai cằn cỗi nên người dân bỏ về làng cũ để làm rẫy, để những đứa trẻ 6-15 tuổi ở lại cho tiện việc học hành.
Giữa cái se lạnh của mùa mưa, những em nhỏ người dân tộc Mông đến trường trong tấm áo mong manh, hành trình đi tìm con chữ của các em còn bao nhọc nhằn. Những bữa cơm hàng ngày của các em chỉ có cơm trắng trộn muối, rau rừng, thỉnh thoảng được bữa cá khô. Một bữa cơm có thịt là ước mơ của các em nhỏ nơi đây.
Trong căn nhà nhỏ cuối xóm, tiếng cười đùa rộn vang. Những đứa trẻ ánh mắt háo hức, vẻ mặt rạng ngời khi mở hộp cơm có thịt vừa được phát. Chúng ngồi túm tụm lại ăn ngon lành. Em Chảo Mùi Diếc (13 tuổi) vui mừng: “Mỗi lần nhận hộp cơm từ các cô chú, em và các bạn rất vui vì trong cơm có thịt. Các cô chú nấu ngon lắm, em và các bạn ăn hết sạch”.
Để có một bữa ăn tươm tất cho các em, từ 4 giờ sáng, thành viên nhóm “Nhịp cầu yêu thương” đã di chuyển về thôn Giang Đông, mượn nhà của một hộ dân trong làng để nấu. Mỗi lần nấu khoảng 150 suất cơm có rau củ và thịt với kinh phí khoảng 1,5 triệu đồng. Chị Lò Thị Suôn (48 tuổi, một người lớn hiếm hoi sống ở đây) tâm sự: “Nơi này cuộc sống khổ cực, người lớn phải về làng cũ làm rẫy mới có cái ăn. Mọi thứ ở đây tụi trẻ tự lo. Mỗi tháng sẽ có một ngày các cô chú trong nhóm thiện nguyện đến nấu suất cơm có thịt để phát cho các em. Gần đến ngày đó, nhiều em không ngủ được thức chờ trời mau sáng”.
Chị Dương Thị Tuyết-Trưởng nhóm thiện nguyện “Nhịp cầu yêu thương” (huyện Krông Năng) cho biết: “Nhóm được thành lập từ tháng 8-2015 với 10 thành viên chính thức, nguồn quỹ hoạt động do các nhà hảo tâm đóng góp. Đến nay, nhóm đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa. Chương trình “Bữa cơm có thịt” được thực hiện tháng 12-2017, tổ chức mỗi tháng một lần. Hy vọng chương trình sẽ mang đến những bữa cơm đầy đủ, giúp vơi đi phần nào những thiệt thòi của các em”.
Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm