Bạn đọc

Bức xúc vì trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các chủ dự án chăn nuôi thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, một số dự án vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Người dân bức xúc

Huyện Chư Sê có 18 trang trại chăn nuôi heo đang hoạt động với tổng số trên 66.300 con. Hầu hết chủ các trang trại đều là hộ cá thể, năng lực về vốn còn hạn chế nên vẫn còn để phát sinh ô nhiễm. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm về môi trường khó thực thi vì việc xử lý các hành vi xả chất thải đòi hỏi phải lấy mẫu phân tích nhưng trang-thiết bị phục vụ lấy mẫu còn hạn chế.

Theo người dân làng Tnung (xã Hbông), nước thải từ trang trại của ông Thường, bà Hảo rỉ vào hồ khiến nguồn nước bị ô nhiễm không thể tưới cho vườn cây. Ảnh: H.T

Theo người dân làng Tnung (xã Hbông), nước thải từ trang trại của ông Thường, bà Hảo rỉ vào hồ khiến nguồn nước bị ô nhiễm không thể tưới cho vườn cây. Ảnh: H.T

Ông Bùi Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông-cho biết: Trên địa bàn xã có 3 trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Huy Chư Sê (làng Kte), ông Trịnh Xuân Thường và bà Lê Thị Hảo (cùng thôn Ia Sa). Thời gian qua, người dân sinh sống xung quanh liên tục phản ánh hoạt động chăn nuôi của ông Thường và bà Hảo gây ô nhiễm. Nguyên nhân là do các trang trại này xây dựng tương đối gần khu dân cư (cách khu dân cư 0,7-1 km), mỗi lần có gió, mùi hôi theo về gây ảnh hưởng cuộc sống người dân. Mặc dù các cấp, ngành đã tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý và các doanh nghiệp có khắc phục nhưng không triệt để.

“Ngoài 3 dự án đã đi vào hoạt động, trên địa bàn xã còn có 4 dự án chăn nuôi heo đã được cấp chủ trương đầu tư, đều nằm ở phía Tây khu dân cư. Do đó, chúng tôi mong các cấp, ngành xem xét lại mật độ chăn nuôi tại xã; đồng thời, quan tâm hướng dẫn các trang trại đầu tư công nghệ xử lý chất thải để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông kiến nghị.

Dẫn chúng tôi ra các thửa ruộng của gia đình, ông Ksor Đrô (làng Tnung, xã Hbông) cho biết: Gia đình ông có 1 ha lúa nằm gần trang trại chăn nuôi của ông Thường và bà Hảo. Từ năm 2021 đến nay, chất thải chăn nuôi của trang trại thấm vào ruộng khiến cho lúa phát triển quá tốt dẫn đến hạt lúa lép và có màu đen. “Trước đây, mỗi năm, tôi thu 120-130 bao lúa nhưng 2 năm nay chỉ thu được hơn 70 bao. Mặc dù chủ trang trại đã bồi thường thiệt hại nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn nước thải thấm vào ruộng lúa thì sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến năng suất sản xuất trong những năm tiếp theo”-ông Đrô nói.

Anh Đrô buồn rầu vì chất thải chăn nuôi khiến cây lúa phát triển quá tốt, dẫn đến bị lép hạt, giảm năng suất. Ảnh: Hồng Thương

Anh Đrô buồn rầu vì chất thải chăn nuôi khiến cây lúa phát triển quá tốt, dẫn đến bị lép hạt, giảm năng suất. Ảnh: Hồng Thương

Ông Thân Văn Hiên-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Tnung-cho hay: 2 trang trại chăn nuôi của ông Thường và bà Hảo hoạt động gây mùi hôi và ảnh hưởng đến sản xuất của người dân đã nhiều năm nay. 3 năm qua, nước thải từ trang trại rỉ ra con suối Ia Panh nước có màu đen và thấm vào ruộng lúa dẫn đến 3,7 ha đất trồng lúa của 11 hộ không thể canh tác; hơn 60 hộ bị giảm năng suất. “Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất thì các trang trại còn gây ô nhiễm nguồn nước. Do đó, đề nghị cấp trên xem xét, nếu các trang trại không xử lý tốt chất thải thì nên cho ngừng hoạt động để không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân”-ông Hiên kiến nghị.

Tương tự, người dân làng Ia Sa (xã Hbông) cũng bức xúc vì hoạt động của các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm. Ông Phạm Văn Lợi thông tin: “Khoảng 3 năm nay, mùi hôi từ chất thải của 2 trang trại nặng hơn, nhiều hôm mùi hôi kéo dài cả ngày lẫn đêm khiến chúng tôi không ngủ được, mỗi lần ăn cơm thì phải đóng cửa, vợ tôi liên tục bị hen suyễn, cháu tôi thường xuyên bị viêm mũi. Ngoài ra, 2 trang trại khoan nhiều giếng lấy nước phục vụ chăn nuôi dẫn đến giếng khoan tại vườn nhãn 2 ha của gia đình bị cạn nước vào mùa khô không đủ tưới dẫn đến giảm năng suất. Gia đình buộc phải chuyển đổi 1,6 ha nhãn sang trồng mía và thu nhập giảm hẳn”-ông Lợi than thở.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Ia Sa: Mùi hôi từ trang trại chăn nuôi của ông Thường và bà Hảo ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 100 hộ dân. Thời điểm nặng mùi nhất là vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Bên cạnh đó, việc vận chuyển cám và heo của các trang trại còn gây hư hỏng đường vào khu sản xuất của người dân.

Tăng cường công tác thanh-kiểm tra

Huyện Ia Pa có 5 dự án chăn nuôi heo đi vào hoạt động. Ông Võ Danh Kha-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện-cho biết: Hàng năm, Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra các chủ trang trại chăn nuôi và hướng dẫn khắc phục sự cố. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là khi có sự cố môi trường xảy ra thì công tác phối hợp lấy mẫu nước để phân tích, đánh giá, xác định lưu lượng nước chảy ra môi trường gặp khó. Do đó, chủ các dự án cần phải bố trí người có chức trách làm việc tại trang trại để tiện cho liên hệ công tác, kiểm tra theo quy định.

Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 12 đơn vị bị xử phạt vì vi phạm quy định về môi trường trong chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thương

Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 12 đơn vị bị xử phạt vì vi phạm quy định về môi trường trong chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thương

Ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Trên địa bàn tỉnh có 208 dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi với tổng diện tích hơn 9.310 ha, tổng vốn đầu tư 35.777,39 tỷ đồng. Trong đó, 92 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, 116 dự án đang xin chủ trương chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện có 36 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng hơn 69.600 con bò và trên 305.200 con heo, mật độ chăn nuôi là 0,327 đơn vị nuôi/ha.

Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở TN-MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một số chủ dự án chưa nghiêm, còn chạy theo lợi ích kinh tế nên trong quá trình hoạt động chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp BVMT đã được phê duyệt. Nhiều trang trại chưa xây dựng các công trình BVMT, chưa được cấp giấy phép môi trường. Theo đó, trong năm 2023, cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 9 đơn vị với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh, Sở TN-MT xử phạt 3 đơn vị với tổng số tiền 370 triệu đồng; UBND cấp huyện xử phạt 8 hộ với tổng số tiền hơn 89 triệu đồng.

Trao đổi với P.V, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN-MT) cho hay: Để khắc phục, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình đầu tư, nhất là trong lĩnh vực BVMT, Sở TN-MT chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các dự án chăn nuôi trên địa bàn về lĩnh vực đất đai, môi trường; hướng dẫn các trang trại thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm