Sức khỏe

Bùng phát dịch đau mắt đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, hơn 1 tháng trở lại đây, dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc) bùng phát trên địa bàn tỉnh với số ca mắc ước tính khoảng 3% dân số toàn tỉnh. Cao điểm của dịch từ đầu tháng 9 và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới.

Mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai khám cho trên 100 trường hợp mắc các bệnh lý về mắt, trong đó, hơn 50% là bị đau mắt đỏ. Còn Bệnh viện Nhi tỉnh đã tiếp nhận gần 1.000 trường hợp bệnh nhi bị đau mắt đỏ đến khám tính từ đầu tháng 9 đến nay. Trong khi đó, Trung tâm Y tế TP. Pleiku liên tục tiếp nhận bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám trong những ngày qua. Thạc sĩ Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Liên chuyên khoa mắt-răng hàm mặt-tai mũi họng (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) thông tin: Đầu tháng 8-2023, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám rải rác và tăng dần cho đến nay. Hiện trung bình 1 ngày, đơn vị tiếp nhận gần 100 ca đau mắt đỏ đến khám, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh.

Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên. Ảnh: N.N

Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên. Ảnh: N.N

Tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, từ ngày 1-8 đến 5-9, đơn vị tiếp nhận 1.544 ca viêm kết mạc cấp (980 ca người lớn, 564 ca trẻ em dưới 15 tuổi). Trong số này, có 23 ca viêm kết mạc cấp nặng điều trị nội trú. “Trong vài ngày gần đây, số người đến khám do đau mắt đỏ tại bệnh viện tăng cao. Đặc biệt, từ khi khai giảng đến nay, lượng bệnh nhân tăng đột biến, có ngày đến 120 ca, chủ yếu là học sinh. Năm nay, dịch lây lan nhanh, kéo dài và có những biến chứng nặng, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh là vô cùng quan trọng. Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh, người dân cần đến bệnh viện chuyên khoa mắt khám để có phương án điều trị kịp thời, tránh biến chứng xấu”-bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Lành-Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên-thông tin.

Bệnh đau mắt đỏ do vi rút gây ra, thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, bệnh xuất hiện ở 1 mắt, sau đó lan sang 2 mắt với các triệu chứng như: phù mi từ nhẹ đến nặng; nổi hạch thường gặp (hạch đau trước tai); cương tụ kết mạc và hột điển hình, có thể thấy nhú ở kết mạc sụn mi; xuất huyết kết mạc; phù kết mạc; giả mạc; chảy nước mắt, có nhiều gỉ mắt và khó mở mắt khi ngủ dậy. “Người dân khi thấy các triệu chứng như trên thường chủ quan tự ý mua thuốc nhỏ hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian như: xông lá trầu, đắp lá dâu tơ tằm hoặc một số người còn dùng sữa mẹ nhỏ cho trẻ sơ sinh. Những biện pháp trên không có tác dụng trong chữa đau mắt đỏ mà còn làm cho bệnh trở nặng, làm cho mắt bội nhiễm gây viêm loét giác mạc tròng đen phải điều trị thời gian dài và gây suy giảm thị lực”-bác sĩ Lành cho hay.

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan và bùng phát nhất là trong trường học, vì vậy, nhà trường cùng phụ huynh cần chủ động phòng-chống. Ảnh: Như Nguyện

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan và bùng phát nhất là trong trường học, vì vậy, nhà trường cùng phụ huynh cần chủ động phòng-chống. Ảnh: Như Nguyện

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngoài số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện, trung tâm y tế thì nhiều người đến khám tại các phòng khám tư hoặc tự ý mua thuốc điều trị tại nhà nên thống kê thường thấp hơn so với thực tế. Hiện bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát và có nguy cơ lây lan, nhất là trong trường học. Nhiều học sinh bị đau mắt đỏ nhưng vẫn đi học dẫn đến nguy cơ lây lan cao.

Ông Nguyễn Văn Thông-Trưởng khoa Sức khỏe môi trường-Y tế trường học-Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trung tâm đã có văn bản gửi các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đề nghị tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn; hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; các cơ sở khám-chữa bệnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đau mắt đỏ thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Vì vậy, người dân cần có ý thức phòng bệnh. Trong đó, chú trọng giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, không sử dụng chung vật dụng cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Những trẻ bị bệnh nên nghỉ học, không đưa đến trường hoặc những nơi đông người. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám để có phương án điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xấu xảy ra.

Có thể bạn quan tâm