Thời sự - Bình luận

Bước tiến quan trọng trong phòng chống dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh luôn mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nếu người bệnh đã tiêm vắc-xin, khi tiếp xúc với mầm bệnh, họ sẽ không mắc bệnh hoặc chỉ mắc bệnh nhẹ và nhanh chóng hồi phục. Ngược lại, nếu không tiêm vắc-xin, người bệnh có thể đối diện với nhiều rủi ro, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, chi phí tiêm vắc-xin thường rẻ hơn rất nhiều so với chi phí điều trị bệnh, chưa kể những tổn thất về sức khỏe và công việc do bệnh gây ra. Tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn giúp bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như trẻ em và người cao tuổi.

Hiện nay, tại TP HCM đang có dịch sởi cùng với xu hướng gia tăng ca bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, bệnh sởi đã được phòng ngừa bằng vắc-xin từ lâu. Đối với bệnh SXH, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa từ trước đến nay đã áp dụng, mới đây, Bộ Y tế đã cấp phép cho thực hiện tiêm chủng vắc-xin SXH.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan mạnh và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi, suy hô hấp, viêm não... Bệnh này còn làm suy giảm sức đề kháng, khiến cơ thể dễ bị nhiễm các bệnh khác. Trong trường hợp trẻ mắc sởi, nguy cơ lây nhiễm cho những trẻ khác trong bệnh viện là rất cao. Vì vậy, trong chiến dịch phòng chống dịch sởi, ngành y tế TP HCM đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh. Kết quả, sau khi triển khai tiêm, tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ có xu hướng giảm.

Tiêm phòng sởi giúp ngăn ngừa tình trạng suy giảm miễn dịch do sởi gây ra, từ đó hạn chế các biến chứng như viêm phổi và nhiễm trùng cơ hội do các vi khuẩn khác xâm nhập. Tuy nhiên, cũng lưu ý vắc-xin sởi vẫn có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm, mặc dù mức độ này thường nhẹ và không nguy hiểm.

Đối với bệnh SXH, đây là một trong những dịch bệnh phổ biến và nguy hiểm tại Việt Nam. Hằng năm, dù chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống như diệt lăng quăng nhưng số lượng ca mắc bệnh này vẫn ở mức cao và vẫn có ca bệnh biến chứng nặng xảy ra. Những trường hợp sốc SXH có thể khiến sức khỏe bệnh nhân suy kiệt và tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện…

Vì vậy, việc phát triển vắc-xin ngừa SXH là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh này. Vắc-xin hiện nay có thể tạo ra miễn dịch cả tế bào và dịch thể, giúp cơ thể chống lại cả 4 chủng virus gây ra SXH đang lưu hành tại Việt Nam.

Những yếu tố bất lợi về sức khỏe sẽ được bác sĩ đánh giá và kiểm tra để bảo đảm rằng người tiêm đủ điều kiện để tiêm vắc-xin một cách an toàn. Sau khi tiêm, kháng thể bảo vệ sẽ được hình thành trong vòng 2-4 tuần, giúp cơ thể tạo ra khả năng miễn dịch mạnh mẽ.

Trong bối cảnh các dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vắc-xin chính là công cụ quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Theo TS-BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm