TN - Đất & Người

Buôn cổ bên hồ Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm bên hồ Lắk thơ mộng, buôn M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là một trong những buôn cổ hiếm hoi của đồng bào M’nông Rlăm còn sót lại và lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào bản địa Tây Nguyên. 

Cây cổ thụ hàng trăm tuổi xanh tốt quanh năm che chở cuộc sống yên bình cho đồng bào M’nông ở buôn M’liêng.
Cây cổ thụ hàng trăm tuổi xanh tốt quanh năm che chở cuộc sống yên bình cho đồng bào M’nông ở buôn M’liêng.
Trải qua năm tháng, cùng với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, đồng bào M’nông Rlăm ở buôn M’liêng vẫn luôn gìn giữ, trân trọng, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông trong cuộc sống đương đại. 
Chỉ cách trung tâm thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk khoảng 3 km nhưng khi đến với buôn M’liêng như lạc vào một buôn làng cổ kính, thanh bình với những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào M’nông Rlăm nằm san sát nhau, bao quanh buôn làng là những cánh đồng lúa nước xanh tốt, quanh năm được tưới mát từ dòng nước trong lành của hồ Lắk. 

 Cuộc sống của đồng bào M’nông ở buôn M’liêng gắn bó với nghề đánh bắt cá trên hồ Lắk bao đời nay.
Cuộc sống của đồng bào M’nông ở buôn M’liêng gắn bó với nghề đánh bắt cá trên hồ Lắk bao đời nay.
Trong buôn, còn những cây cổ thụ trên 200 tuổi cành lá sum xuê, quanh năm in bóng xuống hồ Lắk, vừa mang lại vẽ đẹp cổ kính, huyền bí cho buôn M’liêng, vừa tạo không khí mát mẻ, trong lành, thể hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên của đồng bào M’nông nơi đây. 
Theo các già làng trong buôn, các cây cổ thụ này đã có từ lâu, mặc cho mưa bão, lũ lụt hay hạn hán, cây cổ thụ này vẫn phát triển xanh tốt quanh năm. “Người dân buôn M’liêng coi cây đa cổ thụ như rừng thiêng, mỗi lần trong buôn có lễ hội hay gia đình nào có việc quan trọng, già làng, trưởng buôn và người chủ hộ đều mua lễ ra cúng thần cây, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống buôn làng ấm no, hạnh phúc. Bao đời nay, cuộc sống của bà con buôn M’liêng đã gắn bó với nguồn nước hồ Lắk và rừng thiêng, vì vậy, người dân trong buôn, từ già đến trẻ, đều chung tay bảo vệ, chăm sóc cây rừng, nhất là các cây cổ thụ còn lại trong buôn”, già làng Y San tâm sự.

Nhiều gia đình đồng bào M’nông ở buôn M’liêng vẫn còn giữ gìn được nhiều bộ chiêng quý.
Nhiều gia đình đồng bào M’nông ở buôn M’liêng vẫn còn giữ gìn được nhiều bộ chiêng quý.
Đồng chí Y Bhin Bkrông, Bí thư chi bộ buôn M’Liêng cho biết: Buôn M’liêng hiện có 151 hộ với 750 nhân khẩu, trong đó 99,8% là người dân tộc M’nông Rlăm. Bà con trong buôn sản xuất 81 ha lúa nước 2 vụ và 15 ha rẫy trồng cây ngắn ngày. Về phát triển kinh tế, buôn M’liêng có thể chưa bằng nhiều buôn làng khác ở Tây Nguyên, nhưng về đời sống tinh thần thì bà con buôn M’liêng thực sự tự hào khi đã gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của người M’nông Rlăm. Trong đó phải kể đến việc bảo tồn cồng chiêng, lễ hội, nhà sàn; duy trì các nghề dệt, làm chiếu cói, trồng lúa nước và chài lưới trên hồ Lắk... 
Cuộc sống của đồng bào M’nông ở buôn M’liêng chưa thực sự sung túc, nhưng không còn cảnh thiếu đói. Năm 2005, buôn M’liêng được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn đầu tư bảo tồn buôn văn hóa truyền thống dân tộc M’nông Rlăm. Tiếp đó, ngày 25/10/2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 1987/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc M’nông Rlăm thuộc buôn M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Từ dự án này, buôn M’liêng được đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, bảo tồn 6 nhà sàn dài truyền thống, cấp 12 bộ chiêng cùng các trang bị khác như ghế kpan, trống cho nhà sàn...

Nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’nông Rlăm dài hàng chục mét nằm san sát nhau tạo nét độc đáo, cổ kính cho buôn M’liêng mà ít buôn làng Tây Nguyên còn lưu giữ được.
Nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’nông Rlăm dài hàng chục mét nằm san sát nhau tạo nét độc đáo, cổ kính cho buôn M’liêng mà ít buôn làng Tây Nguyên còn lưu giữ được.

Nhiều chiếc trống cổ được làm bằng da trâu, da voi, được bà con buôn M’liêng gìn giữ cho đến ngày nay.
Nhiều chiếc trống cổ được làm bằng da trâu, da voi, được bà con buôn M’liêng gìn giữ cho đến ngày nay.
Ngoài ra, bà con trong buôn còn tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa như tu bổ, gìn giữ được 30 nhà sàn dài dựng bằng gỗ, 50 nhà sàn dài xây bằng gạch, bảo tồn 30 bộ chiêng, 50 bộ ché cổ, duy trì nghề dệt thổ cẩm. Buôn M’liêng cũng thành lập và thường xuyên duy trì hoạt động của 3 đội chiêng, 1 đội múa, trong đó có đội chiêng trẻ và đội chiêng nữ...
Về thăm buôn cổ M’liêng trong những ngày đầu năm mới, cuộc sống của đồng bào M’nông nơi đây đang thích ứng với trạng thái bình thường mới khi vừa trải qua 1 năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát khắp mọi nơi. Chúng tôi ghé thăm 5 trong số 6 hộ được Dự án bảo tồn buôn cổ M’liêng hỗ trợ bảo tồn nhà sàn dài truyền thống, gồm hộ gia đình Y Soan Ông, H’Ge Bkrông, H’Srông Ênuôl, Y Dhang Nơm, Y Thoan Hlong, thì tất cả các hộ dân đều bảo tồn, gìn giữ được chiêng, trống, ché, ghế kpan và nhà dài truyền thống của đồng bào M’nông... 
Do đặc thù công việc, chúng tôi đã đến nhiều buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhưng hiếm có buôn nào đẹp như buôn cổ M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk. 
Đây là một buôn đẹp, có quy mô lớn của người M’nông Rlăm. Điều đặc biệt ở đây là trong buôn còn lưu giữ được nét cư trú truyền thống của dân tộc M’nông giao thoa với dân tộc Ê-đê. Trong buôn, các nhà sàn dài truyền thống được phân bố tập trung trên một khu đất rộng, có rừng thiên nhiên, đầm lầy trồng cói, có cánh đồng ruộng nước, có bến nước truyền thống, bến voi, cây đa cổ thụ... Nhiều gia đình trong buôn còn giữ được ghế kpan dài hơn 20m, lòng ghế rộng hơn 1m, là nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ hội của người M’nông cùng nhiều chiêng cổ, ché cổ, trống làm bằng da 2 con trâu lớn, trống da voi... phản ánh đầy đủ văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa sử thi, văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng của một buôn cổ của đồng bào M’nông mà ít buôn làng ở Tây Nguyên còn gìn giữ được.

Cổng vào buôn cổ M’liêng.
Cổng vào buôn cổ M’liêng.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lắk H’Loan Buôn Đắp khẳng định: Với sự tham gia tích cực của các hộ dân trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, buôn M’liêng đã được Ủy ban nhân dân huyện Lắk công nhận danh hiệu buôn văn hóa, trở thành một trong những buôn văn hóa điển hình của tỉnh Đắk Lắk. 
Tháng 9/2021, buôn M’liêng được tỉnh Đắk Lắk chọn đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng. Khi trở thành buôn du lịch cộng đồng, sẽ mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương và đặc biệt là quảng bá văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc M’nông Rlăm trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
NGUYỄN CÔNG LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm