Bạn đọc

Buôn làng miền núi xưa phòng dịch ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày trước, đời sống của đồng bào miền núi luôn khó khăn, công tác chăm sóc y tế chưa đến được với người dân ở các buôn làng. Mỗi khi có dịch bệnh nghiêm trọng, bên cạnh việc rời bỏ nơi ở cũ, tìm nơi chốn mới để cư trú, các tộc người ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên cũng rút ra nhiều kinh nghiệm trong phòng-chống dịch bệnh.
Theo kinh nghiệm dân gian, có 2 cách phòng-chống dịch bệnh: thứ nhất là phòng dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào làng, thứ hai là phòng dịch bệnh lây lan từ làng này sang làng khác. Trong trường hợp đầu tiên, nếu người trong làng đi đến làng khác đang có dịch bệnh thì không được về thẳng nhà mà ở ngoài rừng “cách ly”. Người này sẽ được thân nhân dựng cho cái lán nhỏ ngoài bìa rừng, cung cấp đồ ăn hàng ngày; sau ít nhất 10-15 ngày nếu vẫn khỏe mạnh, không có nguy cơ lây dịch cho mọi người thì được cho về làng. Chưa kể trước đó, người cách ly còn phải “tắm 7 con suối” cho thật sạch sẽ.
Đối với trường hợp trong làng đang có dịch bệnh thì các thành viên đều phải tuân thủ luật tục của làng để tránh nguy cơ lây lan như: không được sang làng khác, thường làm dấu hiệu trên các con đường vào làng bằng cách chăng dây buộc trâu ngang đường đi. Khách hoặc người lạ vào làng thấy dây buộc trâu chăng ngang đường sẽ biết có chuyện bất ổn, tín hiệu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và tự giác rút lui ngay lập tức. Khi hết dịch, làng phải dời đi nơi khác thật xa.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Truyền thống cư trú phân tán của một số tộc người ở vùng cao cũng có tác dụng trong việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Các hộ sống cách xa nhau là cách tốt nhất để hạn chế dịch bệnh lây lan trong điều kiện y tế yếu kém như trước đây. Già làng là những người luôn khuyên bảo, nhắc nhở dân làng thực hiện việc phòng-chống dịch bệnh, ai không tuân thủ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Trong cuốn “Luật tục M’Nông” (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 1988) có đề cập khá rõ về việc phòng-chống dịch bệnh và xét xử, phạt vạ những trường hợp sau: “có bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, “tội không khai báo người bị chết vì dịch bệnh”, “tội gieo rắc, lây dịch bệnh cho người khác”, “tội phao tin không đúng về dịch bệnh làm dân làng sợ hãi”... Sau đây là một trong những quy định theo luật tục M’Nông: “Bon (buôn-N.V) mình có bệnh lây truyền, mình không được vào bon người khác. Nếu ta vào bon họ tức là truyền bệnh cho bon đó. Nếu bon họ có bệnh truyền nhiễm, ta không được vào bon của họ. Nếu ta vào bon họ tức là rước bệnh về làng mình, mang bệnh về gây hại bon làng. Như vậy không khác nào mang dây mây từ ngoài rừng xa về làm cho bon làng bị gai đâm, đổ nước tro làm cho giường mục”.
Thực tế cho thấy, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, việc phòng ngừa dịch bệnh bằng phương pháp cách ly, ngăn chặn từ xa là phương thức ứng phó hiệu quả. Trong quá khứ, cũng với cách thức tương tự, đồng bào các dân tộc ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đã tồn tại, vượt qua những nguy nan và từ đó hình thành ý thức, kinh nghiệm trong việc phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống dân làng.
TẤN VỊNH 

Có thể bạn quan tâm