TN - Đất & Người

Buôn Ma Thuột-Đôi điều thương nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bảo tồn và phát triển luôn là “bài toán” nan giải đặt ra trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Để phát triển, nhiều khi người ta phải chấp nhận đánh đổi một cái gì đó quý giá vô cùng-đó không hẳn là di tích, danh thắng được xếp hạng, công nhận… mà đôi khi đơn giản chỉ là hình ảnh gần gũi, thân thương trong tâm tưởng bao người. Tuy vậy, dưới hình thức “đánh đổi” nào chăng nữa thì cái vĩnh viễn không còn vẫn cứ làm cho ta thương nhớ.

1. Buôn trong phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) đã từng là nét kiến trúc đặc sắc và độc đáo ở đô thị vùng sơn nguyên này. Những ai từng đến đây đều ghé thăm Akô D’hông, Dhăp Prông, Păl Lăm, Kô Siêr, Ea Nao, Buôn Bông… rồi mê mẩn với không gian sống thanh bình và yên ả của cư dân bản địa.

 

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột), gần đó có nhà đèn đã bị đập bỏ. Ảnh: Đ.Đ
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột), gần đó có nhà đèn đã bị đập bỏ. Ảnh: Đ.Đ

Còn giờ đây thì thế nào, nét kiến trúc kia có còn không? Anh bạn tôi hỏi vậy khi ghé thăm. Tôi thú thật, buôn trong phố bây giờ đang lần lượt bị thu hẹp rồi mất đi vì nhiều lý do: bị “cơn lốc” đô thị hóa lấn lướt hoặc bị chính chủ nhân của nó bất đắc dĩ xa rời… Chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng mỗi khi ai đó có dịp đến tham quan các buôn làng trên đều không khỏi tiếc nuối, ngậm ngùi…

Hết một ngày rong ruổi với buôn trong phố, anh bạn tôi hỏi: “Đến giờ đã có con số chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng cho biết bao nhiêu buôn làng bị đô thị hóa hoàn toàn chưa?”. Theo tôi biết, chưa có con số thống kê chính thức về sự biến dạng hay biến mất của các buôn làng truyền thống ở đô thị này do những tác động tiêu cực trên. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này đang và vẫn diễn ra đáng báo động trên cả phương diện nhận thức lẫn tổ chức, quy hoạch của người dân và chính quyền sở tại trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội nơi đây.

Chẳng hạn, ở TP. Buôn Ma Thuột, nơi vốn có hàng chục buôn làng truyền thống của người Ê Đê bản địa, giờ đếm lại số lượng chỉ còn bằng đầu ngón tay và số buôn làng này cũng không còn nguyên vẹn như xưa. Chỉ trong vòng 10-15 năm qua, trên địa bàn Buôn Ma Thuột đã có ít nhất 3-4 buôn làng biến mất. Buôn Kô Siêr, Păl Lăm, Dhắp Prông, Buôn Bông… chỉ còn là cái tên trong ký ức.

Ông Ama Khoanh-Buôn phó buôn Akô D’hông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bức bối mà rằng: Bất kỳ ai vào thăm buôn này đều nhận thấy không gian truyền thống xưa bị phá vỡ bởi những ngôi nhà bê tông cao tầng và hiện đại. Mặc dù nó được xây dựng phía sau những ngôi nhà sàn cổ kính nhưng không thể giấu được sự nặng nề, lạc lõng trong không gian yên bình, luôn gắn bó với rừng, với bến nước như xưa.

Còn Amí H’Nưm (buôn Ea Nao, xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar) thì tiếc nuối: Chỉ cách đây vài năm, những ngôi nhà dài ở đây vẫn còn khá nhiều và được bà con giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Xung quanh những ngôi nhà truyền thống ấy là rẫy vườn, cây cối tươi tốt quanh năm nên ai cũng bảo cái buôn này thật đẹp, thật nguyên sơ. Vậy mà bây giờ, nhà xây mái bằng mọc lên san sát trên những khu vườn bị băm nhỏ và không còn những khoảng xanh mênh mông thiên nhiên như trước, làm nhiều người lầm tưởng đó là những dãy phố hiện đại chẳng khác gì ở trung tâm thành phố.

Tương tự, buôn Jù (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) cũng không lấy gì làm lạc quan lắm trước “vấn nạn” gìn giữ, bảo tồn buôn làng truyền thống của cha ông. Bởi theo ông Y Lên Niê, trước đây quỹ đất của buôn dồi dào, nhà nào cũng có vườn cà phê để canh tác dưới sự hỗ trợ của Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột. Nay Công ty không còn, việc nương rẫy có phần chểnh mảng. Nhiều người nghĩ ra việc này, dịch vụ nọ để kiếm sống. Thế là nhà sàn được hạ xuống để xây nhà bê tông cho tiện việc buôn bán và mở dịch vụ. Theo đó, vườn rẫy cũng được chia năm, xẻ bảy cho con cháu và anh em để chăn nuôi hoặc làm trang trại… Vì thế mạch sống và nhịp điệu sinh hoạt trong buôn đã khác trước đi rất nhiều. Và cũng chính sự “lạc nhịp” này là nơi bắt đầu cho sự biến dạng, rồi biến mất của nhiều buôn trong phố hiện nay.

2. Lại một người bạn khác của tôi lên chơi Buôn Ma Thuột và cứ thắc mắc: Sao lại đập bỏ Nhà đèn Buôn Ma Thuột một cách oan uổng vậy, trong đó đáng tiếc nhất là tháp còi tầm đã từng in sâu trong ký ức của bao thế hệ từng gắn bó với đô thị này (?!). Tôi không lý giải được điều đó, chỉ chia sẻ với anh bạn rằng đập bỏ để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Có nghĩa rằng, công trình có tuổi đời gần 100 năm và cũng là công trình duy nhất mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, đồng thời là hình ảnh đại diện tiêu biểu cho ngành công nghiệp phương Tây có mặt sớm nhất trên cao nguyên này vào những thập niên 40 của thế kỷ trước đã không còn phù hợp nữa nên người ta mới làm thế.

Nói vậy, nhưng xót xa lắm! Việc đập bỏ công trình này của Công ty Điện lực Đak Lak diễn ra bất ngờ và nhanh chóng quá, cho nên tôi không kịp nghĩ đến chuyện ghi lại thật nhiều tấm hình để sau này còn cần đến. Bởi vậy, khi thấy Nhà đèn cùng tiếng còi tầm Buôn Ma Thuột không còn, nhiều người nhờ tôi sưu tầm hộ nhưng cố công đi tìm và hỏi ra thì chẳng mấy ai còn.

May thay, trong Triển lãm “Buôn Ma Thuột-112 năm hình thành và phát triển” được ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức trong chuỗi sự kiện 42 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột và Lễ hội cà phê lần thứ VI -2017… có tấm hình Nhà đèn Buôn Ma Thuột. Thế nên anh bạn tôi cũng như nhiều người đến chụp lại mang về làm kỷ niệm với niềm trắc ẩn: Công trình ấy là một phần lịch sử của đô thị này, một khi nó không còn nữa thì có nghĩa đó là sự thiếu khuyết đáng lưu tâm trong hành trình đi lên của thành phố cao nguyên. Trong câu chuyện này, họa sĩ Lê Vấn (chi hội Mỹ thuật Đak Lak) không khỏi ưu tư: Lịch sử hơn 100 năm của thành phố-từ khi còn là vùng đất hoang sơ, đến khi người Pháp đặt chân đến rồi lấy đó làm thủ phủ, đặt bộ máy cai trị lên toàn vùng (1923-1945)… cho đến khi Buôn Ma Thuột trở thành thị tứ, thị xã, rồi thành phố cấp I đóng vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên như hiện nay-thì cái nơi cung cấp nguồn ánh sáng (văn minh) kia luôn đồng hành với từng chặng đường lịch sử và phát triển của thành phố. Họa sĩ Lê Vấn cũng như một số kiến trúc sư ở Đak Lak cứ tiếc nuối: Cho dù Nhà đèn Buôn Ma Thuột chưa được công nhận là di tích lịch sử nhưng nó có vị trí xứng đáng ở đô thị này. Và hơn thế, tiếng còi tầm ở đây gióng giả hụ lên mỗi ngày 4 lượt đã trở nên quen thuộc và thiết thân với người dân phố thị.

Nay những hình ảnh trên đã mờ xa, mất đi khiến không ít người thương nhớ. Bởi thế, tại Triển lãm “Hồi ức Buôn Ma Thuột” vào đầu tháng 11 vừa qua của họa sĩ Lê Vấn, 50 bức tranh màu nước khắc họa lại biết bao hình ảnh thân thương của đô thị này, từ con đường mịt mù bụi đỏ, bến nước, ngôi nhà dài, góc phố… cho đến chuyến xe thổ mộ và cả Nhà đèn Buôn Ma Thuột tọa lạc bên cạnh Ngã Sáu ngày nào đã níu chân người thưởng lãm lâu hơn. Chỉ là những lát cắt nhỏ, nhưng “Hồi ức Buôn Ma Thuột” đã vẽ nên bức tranh lớn về một thành phố sẽ còn bị giằng níu rất nhiều giữa bảo tồn và phát triển này.

Đình Đối

Có thể bạn quan tâm