Kinh tế

Buồn, vui hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không đầy một tháng nữa, Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sẽ chạm ngõ mọi nhà. Người trồng hoa Tết khắp nơi đang khẩn trương chăm chút để những đứa con tinh thần của mình kịp cung ứng cho thị trường. Tại các địa phương phía Đông tỉnh, hoa năm nay được nhà vườn đánh giá là khá đẹp, song lại có nguy cơ nở sớm vì nắng nóng kéo dài.

Niềm vui được mùa

Dù không phải là vùng chuyên canh hoa của tỉnh nhưng các nhà vườn tại thị xã An Khê và huyện Đak Pơ vẫn chộn rộn, tất bật mỗi khi Tết đến Xuân về. Như mọi năm, cúc chậu, cúc bình, ly ly, đồng tiền, vạn thọ, mào gà… là các loại hoa được nông dân nơi đây ưu ái chọn trồng để phục vụ dịp Tết. Sản phẩm chủ yếu nhập cho đại lý, tham gia hội hoa xuân hoặc bỏ mối tại các chợ, cửa hàng hoa. Theo nhận định của nhiều chủ vườn, năm nay không mưa dầm nên tương đối thuận lợi để hoa phát triển tốt, cho bông nhiều, đều và đẹp.

 

Hoa năm nay được nhiều nhà vườn đánh giá là khá đều và đẹp. Ảnh: Hồng Thi
Hoa năm nay được nhiều nhà vườn đánh giá là khá đều và đẹp. Ảnh: Hồng Thi

Cơ sở hoa Năm Chứ (tổ dân phố 5, phường An Tân) là một trong những nhà vườn lớn và lâu năm tại thị xã An Khê. Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Chứ-chủ cơ sở, cho biết, cúc pha lê và ly ly là 2 loại hoa chính được ông chọn trồng để bán trong dịp Tết với tổng số 1.900 chậu (500 chậu cúc, 1.400 chậu ly ly). Giá bán sỉ hoa cúc vẫn được ông Chứ giữ nguyên mức như năm ngoái, dao động từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng tùy chậu lớn, nhỏ. “Hiện tại đã có 2 tiểu thương ở Đức Cơ và Ngọc Hồi-Kon Tum đặt mua hết số cúc trong vườn. Qua rằm tháng Chạp, họ sẽ trực tiếp đến đây xem hoa và vận chuyển”-ông Chứ phấn khởi nói.

Ngoài ra, dịp Tết năm nay, vườn ông còn cung ứng cho thị trường 1.000 chậu vạn thọ Thái, 15.000 cành hoa đồng tiền, 10.000 cây cúc cắm bình và 3.000 nụ hồng. Giá bán ra, theo dự đoán của ông Chứ, cũng sẽ bằng với ngày thường hoặc nhỉnh hơn chút ít chứ không tăng nhiều.

 

Bà Nga tỉ mẫn tỉa nụ cho vườn cúc của mình. Ảnh: Hồng Thi
Bà Nga tỉ mẫn tỉa nụ cho vườn cúc của mình. Ảnh: Hồng Thi

Đang tỉ mẩn tỉa bớt nụ cho những cành cúc của mình, bà Đoàn Thị Nga (thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) cho hay, đây là công đoạn quan trọng để giúp cúc nuôi nụ và cho hoa đẹp; vài ngày nữa nụ lớn, sẽ bắt đầu bao lưới từng bông. Theo bà Nga, vì rau mùa này rẻ, giá cả bấp bênh nên 2 năm nay, gia đình bà quyết định trồng thêm cúc cắm bình để bán dịp Tết. Trên diện tích 100 m2, 1.800 cây hoa cúc đại đóa đang vươn mình xanh mướt, bung đều nụ là thành quả sau bao ngày vất vả của chủ vườn. “Để có được những cành cúc đẹp, nông dân cũng nhọc công lắm. Quan trọng nhất là khâu chong điện vào ban đêm, thường thì từ lúc cúc bắt đầu bén rễ tới khoảng 25 đến 30 ngày sau đó. Mục đích của việc thắp điện là để tránh cúc bị lùn thân, đẻ nhiều nhánh và cho hoa sớm”-bà Nga cho hay.

Và những nỗi lo…    

Bên cạnh niềm vui vì hoa đẹp, được mùa, người trồng hoa cũng lo lắng bởi hoa có nguy cơ nở sớm và mất giá. Thậm chí, một số nhà vườn còn đang phải đối mặt với vấn đề sâu bệnh lây lan trên hoa.

 

Những loại hoa truyền thống vẫn được duy trì tại một số nhà vườn. Ảnh: Hồng Thi
Những loại hoa truyền thống vẫn được duy trì tại một số nhà vườn. Ảnh: Hồng Thi

Mùa hoa Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Đình Cường (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) xuống giống 7.000 cây cúc (giống Đà Lạt) các loại, gồm: kim cương, saphia, thạch bích, mai vàng-trắng, cúc rễ… Ông Cường than thở: “Trời không mưa dầm cũng có cái lợi là hoa sinh trưởng tốt, đẹp bông nhưng ngược lại đất nóng, sâu bệnh như bọ vẽ, nấm cóc, gỉ sét… sinh sản rất nhiều. Cứ 2-3 ngày, tôi lại phải phun thuốc một lần; đồng thời phải mất thời gian ngắt bỏ những lá bị bệnh để tránh lây lan trên diện rộng”.

Không những thế, các nhà vườn còn chia sẻ thêm rằng, chính thời tiết khô nóng cũng khiến cho hoa có biểu hiện nở sớm trước thời điểm Tết tầm 10 ngày. “Qua theo dõi thường xuyên thông tin dự báo thời tiết trên các phương tiện truyền thông đại chúng cộng với kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng tiên liệu được điều này. Do đó, tôi tiến hành thắp điện thêm 4 ngày và tỉa nụ muộn 2 ngày so với mọi năm. Đó là cách duy nhất tôi có thể áp dụng chứ trên thị trường chưa có một loại thuốc hóa học nào có thể kiềm chế bung hoa”-ông Chứ lý giải.

Cùng với đó, điệp khúc “được mùa-mất giá, được giá-mất mùa” chưa bao giờ thôi là nỗi lo thường trực của người nông dân nói chung và người trồng hoa Tết nói riêng. “Hy vọng năm nay giá cao hơn hoặc ít ra cũng bằng năm ngoái để có tiền sắm sửa dịp Tết. Hoa có đẹp, có tươi mà giá thấp lè tè thì ăn Tết cũng chẳng vui nổi”- bà Nga bày tỏ.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm