Kinh tế

Cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn NTM

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 17-7, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2023, triển khai giải pháp trọng tâm 2023-2025.

Đồng chủ trì hội nghị có các ông: Lê Minh Hoan-Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Trần Thanh Nam-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Quang cảnh điểm cầu tại Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Quang cảnh điểm cầu tại Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11,3% so với cuối năm 2020; có 263 huyện, thị xã, thành phố thuộc 58 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020…

Quá trình thực hiện NTM, diện mạo nông thôn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết như hệ thống văn bản pháp lý, hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương chậm ban hành.

Một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp. Không những vậy, quá trình thực hiện ở cấp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn là do ngân sách Trung ương hỗ trợ và người dân tham gia đóng góp còn hạn chế.

Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 quy định mức đạt chuẩn cao hơn, số lượng tiêu chí tăng so với giai đoạn 2016-2020 nhất là một số nội dung tiêu chí không phù hợp với thực tiễn của của địa phương; tác động của thiên tai, dịch bệnh biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương còn khác nhau, chưa có sự thống nhất…

Người dân xã Ia Ka (huyện Chư Păh) chung sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Người dân xã Ia Ka (huyện Chư Păh) chung sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tại Gia Lai, đến nay đã có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm TP.Pleiku và 2 thị xã An Khê và Ayun Pa; có 91/182 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, 131 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Trong đó, 110 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm(OCOP) toàn tỉnh đã có 311 sản phẩm được công nhận OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử. Hoạt động liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản chủ lực ổn định, khả năng mở rộng quy mô phát triển lớn…

Trước những khó khăn trên Uỷ ban nhân dân các tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương phê duyệt các chương trình thí điểm về tăng cường bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn; Chương trình khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn triển khai ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng đối với Đảng bộ, chính quyền huyện…

Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 50% số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có 17-19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…

Có thể bạn quan tâm