Bạn đọc

Cà phê rụng trái do phun thuốc trừ sâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 1,5 ha cà phê đang xanh tốt bỗng dưng quăn lá, rụng trái sau khi phun thuốc khiến gia đình ông Nguyễn Duy Tuấn (thôn Tân Lập, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hết sức lo lắng. Sự việc đã được ông Tuấn phản ánh với đơn vị kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Kể lại sự việc, ông Tuấn cho biết: Ngày 7-7-2016, tôi đến Cửa hàng kinh doanh số 1 (351 Lê Duẩn, TP. Pleiku) thuộc Công ty TNHH Dũng Khánh Hiền mua thuốc trị nấm và sâu đục thân cho cây cà phê. Sau khi được nhân viên cửa hàng tư vấn, tôi đã mua 3 chai Sairifos, 1 chai Notox, 4 chai Carbenzim và 16 chai Cup với tổng số tiền là 1.974.000 đồng. Trong số này, 2 loại gồm Sairifos và Carbenzim của Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn, còn lại của Công ty cổ phần Ni Việt.

 

Số thuốc trừ sâu mà ông Tuấn đã mua. Ảnh: N.N

Sau khi mua thuốc, tôi theo hướng dẫn của nhân viên tư vấn trộn chung các loại thuốc lại và pha với 1.600 lít nước để phun. 3 ngày sau, tôi thấy cà phê trái bóng, lá xanh rất đẹp. Tuy nhiên, sau 8-10 ngày thì tôi phát hiện ngọn non của 100% cây cà phê đều bị cháy quăn lại còn lá phía dưới dính nhiều thuốc thì phát triển to bất thường. Ngoài ra, khoảng 25% cây cà phê trong số này bị rụng trái đến gần 50%.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Tuấn có điện thoại phản ánh với Công ty TNHH Dũng Khánh Hiền. “Công ty có cử người xuống thăm vườn và đưa cho tôi 4 chai thuốc Kelpak và 2 chai Canxi Bo để phun giải độc. Sau đó, thấy hiện tượng rụng trái ngày càng nhiều, tôi lại tiếp tục gọi điện thoại cho Công ty TNHH Dũng Khánh Hiền thì Công ty nói sẽ báo cho đơn vị cung cấp sản phẩm là Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn”-ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, ngày 27-7, nhân viên Công ty TNHH Dũng Khánh Hiền và đại diện Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn có vào thăm vườn cà phê nhưng sau đó thì bỏ lơ. Đến nay, các đơn vị trên chưa có hỗ trợ nào với gia đình ông. “Ước tính thiệt hại do sự cố trên là khoảng 100 triệu đồng. Gia đình tôi hiện đang hết sức khó khăn, nguồn thu nhập chính của cả nhà phụ thuộc vào vườn cà phê nên nhìn cảnh này, vợ chồng tôi vô cùng suy sụp, ăn ngủ không yên. Gia đình tôi đề nghị được hỗ trợ 2 lần bón phân cho vườn cà phê trị giá khoảng 20 triệu đồng nhưng bị từ chối. Họ nói gia đình tôi tự làm thì tự chịu trách nhiệm…”-ông Tuấn buồn bã cho biết.

Về phía Công ty TNHH Dũng Khánh Hiền, ông Nguyễn Anh Dũng-Phó Giám đốc Công ty cho biết: Ông Tuấn có phản ánh sự việc và chúng tôi đã cử nhân viên xuống kiểm tra. Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn sau khi nhận thông tin cũng cho người xuống thăm vườn cây. Sau khi kiểm tra, Công ty có đề nghị cho phun đối chứng ở một vườn gần vườn của ông Tuấn đối với sản phẩm của Công ty. Việc phun đối chứng này có sự phối hợp, giám sát của Trạm Bảo vệ Thực vật địa phương. Nếu sau khi phun đối chứng mà có hiện tượng như ông Tuấn phản ánh thì sẽ đền bù còn nếu không có hiện tượng trên thì Công ty không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Tuấn không đồng ý phun đối chứng.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, sau khi kiểm tra, hiện tượng cà phê rụng trái là do bệnh chứ không phải do thuốc. Công ty cũng đã giải thích nhưng ông Tuấn không nghe. “Cà phê chỉ rụng rải rác chắc chắn không phải do phun thuốc vì nếu là do phun thuốc thì phải rụng cả vườn. Hơn nữa, theo nguyên tắc chỉ 3 đến 4 ngày sau khi phun thuốc thì xuất hiện ngay hiện tượng rụng trái chứ không phải 10 ngày sau mới bị như ông Tuấn nói. Hiện tại, Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn chỉ hỗ trợ ông Tuấn về mặt kỹ thuật, hướng dẫn ông Tuấn mua thuốc bón cho vườn cây còn việc bồi thường thiệt hại thì Công ty không chịu trách nhiệm vì ông Tuấn không đồng ý phun đối chứng nên không thể nói nguyên nhân do thuốc”-ông Dũng khẳng định.

Về việc không đồng ý phun đối chứng, ông Tuấn giải thích: “Do trên bao bì thuốc của Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn ghi rõ có thể phối hợp với các thuốc bảo vệ thực vật khác và nhân viên của Công ty TNHH Dũng Khánh Hiền cũng đã tư vấn, hướng dẫn khi bán thuốc cho tôi nên nếu phun đối chứng thì phải phun kết hợp các loại như trên kết quả mới chính xác. Do Công ty này không chấp nhận nên tôi không đồng ý cho phun đối chứng. Tuy nhiên, sau đó tôi có gọi cho ông Dũng đề nghị cho phun đối chứng lại nhưng ông này từ chối với lẽ hôm trước nói phun đối chứng thì không chịu giờ thì không phun gì nữa hết, có kiện đâu thì cứ kiện…”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm