Dự chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phạm Văn Cần-Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng.
Năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố mới 1.531 vụ/2.462 bị can (giảm 129 vụ nhưng tăng 131 bị can so với cùng kỳ năm 2023). Đồng thời, kiểm sát việc bắt, tạm giữ về hình sự 1.254 người, trong đó, đã khởi tố xử lý hình sự 1.249 người/1.254 người đã phân loại, giải quyết, đạt 99,6%.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh kiểm sát từ khi khởi tố 2.284 vụ/3.282 bị can; kiểm sát giải quyết vụ án trong giai đoạn truy tố 1.189 vụ/2.448 bị can; kiểm sát xét xử vụ án hình sự sơ thẩm 1.450 vụ/3.027 bị cáo; kiểm sát xét xử vụ án hình sự phúc thẩm 185 vụ/321 bị cáo. Ngoài ra, các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình đã thụ lý kiểm sát 7.572 vụ, việc; các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đã thụ lý kiểm sát 576 vụ, việc.
Cũng trong năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh đã trực tiếp kiểm sát 208 lần việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Trong đó, có 79 lần kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ và 4 lần tại Trại tạm giam; 24 lần kiểm sát việc thi hành án hình sự tại Cơ quan Thi hành án hình sự, 2 lần tại Trại giam và 99 lần tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Qua đó, đã ban hành 208 kết luận, 2 kháng nghị và 58 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong lĩnh vực này.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương ghi nhận, đánh giá cao về những kết quả đã đạt được của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh trong năm 2024. Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh cần tập trung quán triệt văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh, lĩnh vực tư pháp. Tăng cường vai trò, trách nhiệm công tố, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Đồng thời, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan nội chính của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, hài hòa và thông suốt trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Phối hợp, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Gia Lai theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường kỷ cương, chỉnh đốn Đảng, phòng-chống tham nhũng tiêu cực trong thực hiện công vụ. Quyết liệt sắp xếp tổ chức, tinh giản bộ máy, đội ngũ cán bộ, đồng thời tạo sự đồng thuận thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng chuyển đổi số một cách nhanh nhạy hiệu quả, chính xác, minh bạch và bảo mật.
Phát biểu tại hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao Phạm Văn Cần cũng đề nghị thời gian tới, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề cao thượng tôn pháp luật, truy tố đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng kháng nghị, tiếp tục chuyển đổi số, số hóa hồ sơ phục vụ công tác chuyên môn. Đồng thời, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh cần phát huy tinh thần đoàn kết, phát động phong trào thi đua yêu nước, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Dịp này, thừa ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Văn Cần đã trao tặng "Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân" năm 2024 cho 4 đơn vị, gồm: Văn phòng tổng hợp Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Pleiku, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Ayun Pa và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mang Yang; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2024 cho 3 đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024.