Kinh tế

Cà phê sạch khó tìm đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang mô hình trồng cà phê sạch nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của thị trường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của nhiều hộ, trong đó có tổ sản xuất cà phê sạch VietGAP An Bình (thôn An Lộc, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) lại đang gặp nhiều khó khăn.

Tổ sản xuất cà phê sạch VietGAP An Bình được thành lập năm 2014 với 14 hộ nông dân tham gia, tổng diện tích cà phê là 34 ha. Được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm và Thủy sản hướng dẫn cụ thể, các hộ nông dân trong tổ đã thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, xuất bán theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, các hộ luôn có hồ sơ ghi chép để có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

 

Ông Vượng bên vườn cà phê VietGAP trĩu quả. Ảnh: H.D
Ông Vượng bên vườn cà phê VietGAP trĩu quả. Ảnh: H.D

Ông Phan Bá Vượng-Tổ trưởng tổ sản xuất cà phê sạch VietGAP An Bình, cho biết, vào mùa bón phân, phun thuốc, luôn có đoàn kiểm tra từ các đơn vị như Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật... đến kiểm tra. Từ khi thực hiện quy trình sản xuất cà phê sạch, năng suất tăng lên rất nhiều với trung bình 120-130 tấn cà phê nhân/34 ha. Chi phí đầu vào cũng giảm rõ rệt.  

Ngoài ra, kiến thức của người dân về bảo vệ môi trường, về tầm quan trọng của sản phẩm sạch đối với sức khỏe được nâng lên. “Thực ra trước đó, chúng tôi cũng đã ý thức được việc không nên sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Bởi cà phê đã phun thuốc là phải theo liên tục, liều lượng cũng dần tăng lên. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng vậy, cây sẽ không còn tự kháng bệnh được. Còn khi trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP,  nếu cây bị bệnh, chúng tôi chỉ chú trọng làm cành, chồi thật kỹ và tưới tắm, bón phân để cây khỏe. Khi cây thực sự khỏe sẽ tự kháng bệnh”-ông Vượng cho hay.

Dù sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Vượng, khi tổ sản xuất được thành lập, một doanh nghiệp chế biến rang xay khá lớn tại  TP. Pleiku đã cam kết bao tiêu sản phẩm và có trợ giá. “Nhưng chỉ được 2 năm. Tới năm ngoái, doanh nghiệp này không mua do khó khăn trong vay vốn ngân hàng. Anh em trong tổ đành phải bán ra ngoài bằng với giá thị trường và không được hỗ trợ gì. Năm nay, liên hệ lại với doanh nghiệp, họ cho biết chỉ có thể mua cho tổ khoảng 20 tấn, trong khi tổng sản lượng của chúng tôi là khoảng 130 tấn. Có lẽ trên 100 tấn còn lại, chúng tôi sẽ lại bán như cuối năm ngoái. Thực sự chúng tôi rất muốn có được đầu ra ổn định, được trợ giá một phần để yên tâm tiếp tục trồng cà phê sạch”-ông Vượng bày tỏ.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm