Kinh tế

Giá cả thị trường

Cà phê Việt 'vẽ' lại thị trường thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cách đây 1 năm. Có thể nói mặt hàng tỉ USD của VN đang bước sang một trang sử mới.

Lập đỉnh rồi phá đỉnh?

Trong ngày cuối cùng của tháng 1.2024, giá cà phê tại nhiều nơi ở Tây nguyên, đặc biệt như Đắk Nông, đã chạm và vượt cột mốc không tưởng là 80.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh tại H.Krông Nô (Đắk Nông), cho biết: Nhiều đơn vị bị áp lực giao hàng theo hợp đồng phải chào mua cà phê nhân với giá 80.500 - 80.700 đồng/kg, nhưng nguồn cung rất hạn chế.

Nguyên nhân là những người cần tiền đã bán hết, còn những người chưa cần tiền thì tiếp tục trữ với kỳ vọng giá có khả năng tăng tiếp. Nhưng thực tế thì số lượng cà phê còn trữ trong dân và thương lái không nhiều vì không ai nghĩ giá cà phê tăng tới mức này. "Theo kinh nghiệm của tôi, với diễn biến hiện tại thì khả năng giá vẫn còn tăng. Bản thân tôi chỉ còn một ít cũng phải trữ để dành bán cà phê rang xay cho cả năm sau", ông Đạt nói.

Giá cà phê tăng gấp đôi sau khoảng 1 năm. Ảnh:Minh Đăng

Giá cà phê tăng gấp đôi sau khoảng 1 năm. Ảnh:Minh Đăng

Nhìn lại cách đây một năm, giá cà phê chỉ 41.000 - 42.000 đồng/kg đã được xem là "trúng giá". Còn cách đây hơn một tháng, khi giá cà phê đạt mốc 67.000 - 68.000 đồng/kg đã là mức kỷ lục và nhiều người trồng cũng như dân buôn cà phê đặt mục tiêu chốt lời ở cột mốc 70.000 đồng/kg. Không ai nghĩ giá cà phê cứ liên tục lập đỉnh rồi phá hết đỉnh này tới đỉnh khác.

Lý do là nhu cầu cà phê thế giới tiếp tục tăng; căng thẳng trên biển Đỏ khiến cước tàu biển và thời gian giao hàng kéo dài; hạn hán ở nhiều nơi... đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới tăng không điểm dừng trong tháng đầu tiên của năm 2024. Cụ thể, đối với mặt hàng cà phê robusta trên thị trường London kỳ hạn giao tháng 3.2024; tuần trước tăng liên tiếp 4 phiên (1 phiên giảm) với tổng mức tăng lên tới 141 USD/tấn, trong 2 ngày qua đã tăng thêm tới 66 USD/tấn đạt con số không tưởng 3.336 USD/tấn.

Không chỉ mặt hàng cà phê robusta mà cả giá cà phê arabica trên sàn New York cũng tăng, kỳ hạn giao tháng 3 giảm 4,75 cent, lên 194 cent/lb. Giá cà phê arabica tăng do những lo ngại về tác động của hiện tượng El Nino với nguồn cung từ Brazil. Bên cạnh đó, kho dự trữ ở các thị trường quan trọng là châu Âu và Mỹ đang giảm nhanh.

Theo khảo sát của Thanh Niên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đều có chung nhận định: Giá cà phê có khả năng tăng tiếp. Nhìn vào số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thấy nhiều tín hiệu tích cực. Trong tháng 1.2024, xuất khẩu cà phê của VN đạt tới 210.000 tấn, tăng tới 48% về lượng; kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023. "Căng thẳng biển Đỏ thật sự gây khó đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với hình thức xuất giá CIF, nhưng chúng tôi xuất FOB nên không ảnh hưởng gì cả. Đó là lý do vì sao một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê nói không giao được hàng nhưng xuất khẩu cà phê vẫn tăng", lãnh đạo một doanh nghiệp cà phê lớn cho biết.

Vì sao giá cà phê tăng kỷ lục, nhiều người vẫn lỗ?

Giá cà phê tăng gấp đôi sau khoảng 1 năm. Ảnh:Minh Đăng

Giá cà phê tăng gấp đôi sau khoảng 1 năm. Ảnh:Minh Đăng

Là người có hơn 20 năm trong nghề cà phê, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, phân tích: Trong nhiều năm qua, VN đã khẳng định vị thế là nước sản xuất và cung cấp cà phê robusta số 1 thế giới. Quan trọng hơn, cả thế giới quen với việc mua cà phê robusta giá rẻ của VN. Thậm chí, các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức, thành phần của họ để tận dụng tối đa nguồn cà phê robusta VN. Các hãng cà phê nổi tiếng Âu - Mỹ kiếm lời rất nhiều từ nguồn cà phê giá rẻ của chúng ta và họ say sưa với việc khai thác nguồn cung giá rẻ đó. Thế nên thị trường thế giới nhiều thời điểm lẹt đẹt 1.200 - 1.400 USD/tấn, cao thì 1.900 - 2.000 USD/tấn, nội địa 34.000 - 35.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, với sản lượng cà phê VN có năm lên 1,7 - 1,8 triệu tấn, nhiều người có cảm giác nhiều như vô tận.

Nhưng cũng chính vì giá cà phê VN quá rẻ trong khi giá bất động sản tăng mạnh, một hecta đất từ vài trăm triệu đồng lên vài tỉ đồng thì lợi nhuận từ việc trồng cà phê không còn hấp dẫn với người nông dân. Những nhà nông gắn bó với nông nghiệp thì lợi nhuận từ cây sầu riêng cũng như nhiều loại cây trồng khác đang hấp dẫn họ hơn. Và nhiều người đang từng bước chuyển đổi vườn cà phê của mình sang những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng thực tế qua quan sát cho thấy diện tích và sản lượng cà phê của VN liên tục sụt giảm.

"Nhiều nhà kinh doanh cà phê cho biết trước đây khi hết cà phê, các nhà xuất khẩu vẫn đợi để vài ngày hoặc một tuần sau sẽ lại có. Nhưng điều đó không xảy ra trong năm 2023. Các nhà nhập khẩu cà phê rang xay Âu, Mỹ đã phải cử người đến VN, thăm kho dự trữ, vùng nguyên liệu để "giám sát nguồn cung"… nhưng tất cả đều trống rỗng. Và lúc này, tháng 1.2024, ngành cà phê tiếp tục có nhiều chuyện không ai ngờ tới… Đó là nguyên nhân mỗi ngày giá cà phê lại thiết lập một cột mốc mới", ông Thông lý giải.

Phân tích về việc giá cà phê tăng nhưng nhiều người thua lỗ, theo ông Thông, niên vụ cà phê 2023/2024 thị trường vẫn theo thói quen cũ, các bên tham gia kinh doanh cà phê bắt đầu bán khống hàng trăm ngàn tấn. Từ khi giá 50.000 đồng/kg; nông dân, nhà cung cấp đã bán cà phê với số lượng lớn, rồi giá lên 52.000 đồng/kg và 54.000 đồng/kg. Tháng 9.2023, cà phê được chốt với giá 58.000 đồng/kg, giao hàng vào tháng 10 và đầu tháng 11. Nhưng giá cà phê không dừng lại hay quay đầu mà vẫn tiếp tục tăng khiến các bên tham gia không thể giao hàng theo hợp đồng. Thương lái bán khống không có hàng giao nên "xù" nhà xuất khẩu, đẩy ngành cà phê vào tình trạng hỗn loạn. Tại Tây nguyên, đã có không ít dân kinh doanh cà phê thua lỗ, phá sản.

"Cũng có những ý kiến nói rằng người nông dân tham lam, giá cà phê 78.000 đồng/kg rồi mà còn ôm không bán. Phải nói rằng ai cũng tham chứ không riêng nông dân. Hàng chục năm qua nông dân đã bán rẻ sản phẩm của mình, chúng ta sử dụng và nghĩ nó là đương nhiên mà có. Nhưng đây là lúc chúng ta nhận thấy rằng không có gì mãi mãi đương nhiên. Họ có lý do để làm điều này và chúng ta phải chấp nhận để thay đổi kế hoạch kinh doanh của mình. Các công ty rang xay và phân phối cà phê lớn trên thế giới đã tận dụng việc kiếm lợi nhuận khổng lồ từ cà phê giá rẻ VN. Sau năm 2023, các nhà mua hàng nhận ra rằng robusta VN không còn vô tận. Và để phát triển lâu dài bền vững ngành cà phê, cả người mua và người bán phải thực sự quan tâm đến cà phê và người trồng cà phê. Các công ty cà phê lớn trên thế giới bớt tham lam thì mới có thể phát triển bền vững ngành này", ông Thông nhận định.

Có thể bạn quan tâm