Kinh tế

Cà phê xen bơ "Cặp đôi hoàn hảo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dẫn chúng tôi vào thăm vườn của mình, anh Dũng chỉ tay ngay vào những cây bơ có tán cao vượt hẳn so với những hàng cà phê và nói: “Điểm khác biệt của vườn cà phê nhà mình chính là những cây bơ cao to, tán phủ lên cây cà phê đấy. Bơ trồng xen cà phê rất phù hợp, cây bơ tiếp nhận ánh sáng ở tầng cao, khai thác dinh dưỡng ở tầng sâu lại che bóng, chắn gió, giảm nước tưới và sâu bệnh hại cà phê”.

Anh Dũng cho biết thêm: “Cách đây chừng 10 năm (năm 2004), sau khi mua được khu vườn với diện tích 1 ha, tôi đã tiến hành trồng được 1.330 cây cà phê vối (khoảng cách 3,5 mét x 2,5 mét), sau một thời gian chăm sóc, thu hoạch nhận thấy việc trồng cà phê đơn thuần thu nhập không cao. Do vậy tôi đã đi tham quan một số mô hình trồng xen canh ở một số địa phương khác, sau đó tôi quyết định trồng thử nghiệm 10 cây bơ xen canh trong vườn cà phê. 3 năm sau cây bơ cho thu hoạch và đến nay trung bình mỗi năm tôi thu được 3,5 tấn cà phê và 6 tạ bơ, với giá bán như hiện nay, mỗi năm tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng”.

 

 Mô hình cà phê xen bơ của anh Trương Văn Dũng. Ảnh: Bá Thăng
Mô hình cà phê xen bơ của anh Trương Văn Dũng. Ảnh: Bá Thăng

Để nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng trên một diện tích nhất định, hiện anh Dũng đã quyết định trồng xen canh thêm 20-30 cây bơ trong vườn cà phê. Theo quan sát của chúng tôi, được biết anh Dũng trồng theo mật độ 4 hàng cà phê trồng xen 1 hàng bơ. Cây cà phê ưa bóng, vì vậy khi trồng xen cây bơ không chỉ tăng năng suất cây cà phê mà còn tạo thêm thu nhập từ cây bơ. Cà phê được cây bơ che bóng đã hạn chế được lượng nước tưới, chống được khô hạn. Mỗi năm, anh Dũng thu hoạch 2 vụ, bơ thu trước, bù đắp chi phí đầu tư cà phê, tổng thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng cà phê đơn thuần.

Hiện nay, việc trồng xen canh bơ trong vườn cà phê được xem là một trong những mô hình thâm canh bền vững không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đảm bảo thân thiện với môi trường. Do đó, hiện tại không chỉ nhiều hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột mà ở nhiều địa phương khác như các huyện: Cư M’Gar, Krông Păc, Cư Kuin, Ea H’Leo... cũng đang phát triển và nhân rộng mô hình này. Đây là 2 loại cây có tính cộng sinh được ví như “cặp đôi hoàn hảo”, có cùng một loại bệnh nên dễ chữa trị. Khi bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật cho cà phê không làm ảnh hưởng đến cây bơ. Ngược lại cây bơ nhờ đó mà sinh trưởng tốt. Do bơ và cà phê cùng ra hoa, kết quả nên được thu hái cùng thời điểm, thuận tiện cho nhà vườn trong việc chăm sóc thu hoạch.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đak Lak thì đây là phương thức canh tác trồng kết hợp giữa cây bơ và cà phê trên cùng một diện tích đất canh tác, hợp lý trong không gian và theo trình tự về thời gian, có tác động qua lại lẫn nhau cả về phương diện sinh thái và kinh tế theo hướng có lợi. Với hệ canh tác này, trong đó cây thân gỗ lâu năm (cây bơ) đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho cây cà phê về các mặt: phòng hộ chắn gió, che bóng, giúp giảm sự thoát hơi nước của đất, giúp tăng năng suất cho cây trồng.

Thiết nghĩ, ở Tây Nguyên hiện cây cà phê đang đứng trước thực trạng canh tác thiếu bền vững do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc đưa cây bơ vào trồng xen canh trong vườn cà phê ngoài việc nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích nhất định  còn góp phần phát triển cây cà phê một cách bền vững. Do vậy cần khuyến khích, định hướng bà con nông dân học tập và làm theo.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm