Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Ca sĩ Bảo Anh đã sai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bảo Anh bị tố đạo nhạc một ca khúc Trung Quốc khi ra mắt "Cô ấy của anh ấy", sáng tác mới của nhạc sĩ Kai Đinh, đang gây chú ý trên top thịnh hành âm nhạc.

Bảo Anh tái xuất thị trường nhạc Việt bằng MV Cô ấy của anh ấy. Sau một tuần, sản phẩm hút gần 2,5 triệu lượt xem và giữ vị trí thứ 3 ở top thịnh hành âm nhạc trên YouTube. Tên tuổi của Bảo Anh là yếu tố chính dẫn đến thành công bước đầu cho Cô ấy của anh ấy. Bên cạnh đó, lùm xùm xung quanh nghi vấn đạo nhạc tạo nên làn sóng thứ 2 giúp MV được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Âm nhạc chữa lành đang giúp Bảo Anh gặt hái thành công trở lại. Ảnh: NVCC.

Âm nhạc chữa lành đang giúp Bảo Anh gặt hái thành công trở lại. Ảnh: NVCC.

Bảo Anh có đạo nhạc không?

Cô ấy của anh ấy bị tố đạo nhạc Năm tháng vội vã của Vương Phi. Nghe lướt qua, cả 2 ca khúc cùng một thể loại Ballad/Lofi, vòng hòa âm na ná nhau và tuyến giai điệu cũng nhiều điểm tương đồng. Với một tai nghe của khán giả đại chúng, việc Cô ấy của anh ấy bị tố đạo nhạc là điều dễ hiểu.

Kai Đinh - người sáng tác Cô ấy của anh ấy - phải lên tiếng giữa lùm xùm đạo nhạc. Kai Đinh nhấn mạnh màu sắc âm nhạc của Cô ấy của anh ấy rất phổ biến trên thế giới. Thế nên, việc một số khán giả tố ca khúc của Bảo Anh đạo nhạc là không chính xác.

Kết cấu chung của 2 ca khúc gần như tương đồng. Nếu lấy phần giọng Bảo Anh ghép vào bản phối của Năm tháng vội vã, sẽ trơn tru. Đi vào tiểu tiết, nhiều tuyến giai điệu trong 2 ca khúc giống ở vài nốt, song không kéo dài đến nốt thứ 4, thứ 5 nên rất khó để xác định đạo nhạc.

Việc khán giả tố Cô ấy của anh ấy đạo nhạc, tương tự những gì từng xảy ra ở Chạy về khóc với anh (Erik), Bức bình phong (Trịnh Thăng Bình). Sự tương đồng ở vòng hòa âm là điều đầu tiên gợi cho người nghe cảm giác giống giữa 2 ca khúc. Song, không thể kết luận các sản phẩm của nghệ sĩ Việt đạo nhái giai điệu, nội dung, nên chuyện có đạo nhạc hay không vẫn treo lơ lửng ở góc nhìn của mỗi người.

Tranh cãi liên quan đến Cô ấy của anh ấy sẽ chẳng đi đến cái kết. Còn hiện tại, Bảo Anh đã có sản phẩm thành công vượt bậc so với những gì cô có trong vài năm gần đây. Gác lại yếu tố đạo nhạc, Cô ấy của anh ấy là ca khúc dễ nghe, có cảm xúc. Âm nhạc mang tính “chữa lành” đang là xu hướng của thị trường nhạc Việt.

Những ca khúc Ballad của ca sĩ Việt thường bị chê sáo rỗng, dễ dãi trong ca từ. Sáng tác của Kai Đinh cho Bảo Anh chưa phải là thứ gì đó đột phá vượt bậc. Thế nhưng, sự khai thác của Kai Đinh về nội tâm, câu chữ khá tốt, được nhiều khán giả ghi nhận. Bấy nhiêu yếu tố đó gộp lại là đủ tạo nên thành công của Bảo Anh.

Thành công của Bảo Anh vẫn phải gắn liền sự đượm buồn ở dòng Ballad. Ảnh: NVCC.

Thành công của Bảo Anh vẫn phải gắn liền sự đượm buồn ở dòng Ballad. Ảnh: NVCC.

Bảo Anh tự chứng minh mình đã sai

Giọng ca Trái tim em cũng biết đau từng gây chú ý với phát ngôn: “Thà thất bại ở thử thách mới, còn hơn lặp lại thành công”. Nghĩa là, Bảo Anh không muốn duy trì vị thế ở dòng nhạc Ballad/Pop Ballad, mà đặt khát vọng chinh phục những giá trị cao hơn trong nghệ thuật.

Bảo Anh nói ra điều này khi ra mắt MV Yêu không cần ép. Ở đó, nữ ca sĩ tung MV với kinh phí tương đương “một căn nhà”. Bảo Anh táo bạo khi chi tiền đậm cho một ca khúc điệu Bossa Nova, vốn chưa từng thịnh hành trên thị trường. Tổng thể sản phẩm Yêu không cần ép ở chất lượng tốt, nhưng sau cùng thất bại về mặt hiệu ứng.

Nữ ca sĩ sinh năm 1992 đã lạc lối trên con đường âm nhạc trong nhiều năm. Gần 10 năm trước, Bảo Anh từng là gương mặt nổi trội khi theo đuổi dòng Ballad, hát những sáng tác của Mr. Siro. Khi có được thành công, Bảo Anh chuyển hướng, nỗ lực khẳng định chỗ đứng riêng biệt bằng việc hát các ca khúc Latin, song đều thất bại.

Thất bại của Yêu không cần ép là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự nghiệp trên đà xuống dốc của Bảo Anh. Cô thay đổi ê-kíp, trở lại với màu sắc quen thuộc kể từ Từng là của nhau. Thành công của Cô ấy của anh ấy chứng minh Bảo Anh chưa thể thoát khỏi cái bóng của Ballad, màu sắc giúp cô tỏa sáng nhất với chất giọng mỏng manh, thiếu kỹ thuật và sự mềm mại.

Cùng một thời điểm, Cô ấy của anh ấy và Mưa tháng sáu (Văn Mai Hương) cùng tạo hiệu ứng tốt bằng màu sắc Ballad/Lofi. Đây là minh chứng cho thấy Ballad vẫn có sức hút mãnh liệt trên thị trường nhạc Việt, bất chấp sự xâm nhập của những trào lưu mới như Rap/Rn’B, Rap/Hip hop, Latin…

Có thể bạn quan tâm