Pháp luật

Tin tức

Các chiêu trò lừa đảo khó tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Nhà mình cho thuê nhà, một bạn nữ giả làm khách thuê đến ngồi gọi ship ứng 700.000 rồi ra đưa đồ cho ship như đây là nhà bạn ấy. Thế là bạn nữ đó đã lừa được 700.000 của bạn ship...

Bạn ship đó quay lại nhà mình vì nghĩ người nhà mình lừa đảo, rất mang tiếng. Trong túi đồ chỉ có vài bộ quần áo và thỏi son cũ. Bạn ý là sinh viên đi làm mà bị lừa mất 700.000 thật sự là rất khổ thân”, T chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội.

Câu chuyện được chia sẻ liên tục trên các diễn đàn mạng xã hội nhằm truy tìm người phụ nữ lừa đảo đồng thời cũng là bài học cảnh báo cho mọi người.

 

Câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội.
Câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội.

Em thấy chị kia bước ra từ ngôi nhà đó nên nghĩ…

Liên hệ trực tiếp với cậu sinh viên tên C.,  là nhân viên giao hàng bị lừa, C uất nghẹn vì muốn có tiền phụ ba mẹ trang trải học phí, nên thay vì nghỉ hè như bạn bè, T quyết định ở lại làm nhân viên giao hàng tại Hà Nội.

“Em làm từ hồi đầu tháng, thường mỗi đơn hàng thành công, thường em được trả 30.000 đồng. Hôm đó, người kia hẹn em ở quán nước, bảo giao hàng đến địa chỉ này. Em đến thấy người kia bước ra từ căn nhà đối diện nên không nghi ngờ gì, nhận hàng rồi đi giao, ứng trước cho người ta 700.000 là tiền đơn hàng, đến chỗ người kia nhận lại cùng tiền ship.

Nhưng tới nơi, gọi người kia không bốc máy, người bảo đi giao hàng lúc đầu có nghe máy bảo chắc đang bận, mai giao nhưng mai tới cũng không thấy ai, số điện thoại cũng không liên lạc được nữa. Lúc đó mới biết mình bị lừa, mở bọc kia ra chỉ có vài bộ quần áo và thỏi son cũ.”

700.000 đồng với nhiều người là số tiền nhỏ nhưng với những sinh viên xa nhà tự lập như C đó là cả gia tài, là tiền ăn hơn tháng trời ở thủ đô.

Em vào nhà đi anh đóng cửa cho

Ngay sau khi câu chuyện trên được chia sẻ, nhiều bạn đọc liên tục bình luận về những câu chuyện lừa đảo với thủ đoạn tương tự: Giả bạn cùng phòng, khách thuê trọ để lấy tài sản.

 

Chiếc xe suýt bị mất cắp.
Chiếc xe suýt bị mất cắp.

N.T.Lan (Hà Nội) kể chuyện, đang ở nhà thấy có cô bạn gõ cửa bảo laptop hỏng muốn mượn máy tính để gửi nhờ mail, nghĩ cùng trọ với nhau gửi cũng chẳng mất mấy thời gian nên Lan gật đầu đồng ý. Ai dè, người bạn kia đã biến mất cùng chiếc laptop.

Một vụ khác cách đây chưa lâu, nhà trọ của Tuyền ở Nguyễn Xí, Bình Thạnh, nhà có hơn 10 người cùng trọ nhưng là dạng nhà nguyên căn, cửa tận 3 lớp khóa nên cũng yên tâm. Khoảng gần 8h tối, khi đi làm về một người trong nhà trọ bỗng thấy hai người đàn ông lạ xuất hiện trước cửa nhà. Trong đó, một người ngồi trên xe xe Air blade còn một người đang dắt chiếc xe máy ra ngoài.

Thấy có người về, người đàn ông chào hỏi thân thiện “Em đi làm về rồi hả. Em vào nhà đi, anh đóng cửa cho. "Vì nghĩ là người thân của bạn cùng trọ trong nhà tới chơi nên người kia cũng không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, sau khi dắt chiếc xe kia ra ngoài, người đàn ông quay lại trộm chiếc xe mới coóng

Công an chỉ mẹo nhận biết kẻ lừa đảo thuê nhà

Chia sẻ hai câu chuyện trên với Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng đội tổng hợp Công an Quận 3, ông cho biết thủ đoạn lừa đảo trên không mới, từng được cảnh báo rất nhiều trên các chương trình truyền hình như “Câu chuyện cảnh giác”…

Trung tá Lê Minh Lê khẳng định điều mà giới trẻ hôm nay thiếu là sự tương tác xã hội. “Tôi không nói cuộc sống lúc nào cũng phải nghi ngờ nhau nhưng sống ở khu trọ, phải biết hàng xóm xung quanh mình là ai mới cho mượn đồ. Anh nhân viên giao hàng tiếc gì không chạy lại căn nhà hỏi: có phải chị này là người thuê nhà ở đây không, trọ lâu chưa, phòng nào, chủ nhà là ai… Cuộc sống thành thị bận rộn hơn, anh không thể biết hết nhưng ít nhất hàng xóm xung quanh mình là ai anh cần phải biết, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực… anh cần phải biết, đó là những người anh cần sự hỗ trợ sau này.”

Khi được hỏi, cuộc sống ở thành phố phức tạp, giờ giấc làm việc khác nhau, gặp mặt nhau còn khó làm sao để tương tác, trung tá Lê Minh Lê chia sẻ sự quan tâm tương tác là kĩ năng mềm, cần được hình thành từ trong gia đình, trường học và chính người trẻ phải tự học.

“Tương tác bắt đầu từ những điều nhỏ hằng ngày: về gặp mặt thì chào nhau, thấy hàng xóm đi chân cà nhắc thì hỏi thăm, có người tới tìm hàng xóm mình, mình biết thì truyền lời lại dùm, thấy nhà ai có đám tang, đám cưới thì tới chia buồn, phúng viếng, hay chia vui cùng người ta, hỏi thăm nhau tiếng. Anh muốn được người ta đối xử như thế nào thì anh cần phải đối xử lại với người ta như thế. Còn sống cùng nhà mà chẳng bao giờ nói chuyện thì có sống với nhau cả năm trời, chạm mặt chắc gì đã nhận ra nhau mà biết đâu là kẻ lừa đảo…”.

Theo phapluat

Có thể bạn quan tâm