Chính trị

Tin tức

Các nước có lượng phát thải khí nhà kính cao phải thực hiện nghĩa vụ tài chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

* Cơ hội đạt thỏa thuận về biến đổi khí hậu chỉ là 50/50.

Chiều 16-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu (COP 15) tổ chức tại TP Copenhagen (Đan Mạch), với sự tham dự của khoảng 130 nguyên thủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) nhưng không phải là nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Việt Nam đã chủ động xây dựng và tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng mong muốn tại hội nghị này, các nước sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra các thỏa thuận quốc tế mới về ứng phó với BĐKH với 5 nội dung chính như: Công ước khung của LHQ về BĐKH và nội dung của Nghị định thư Kyoto với việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới đối với những nước có lượng khí phát thải lớn tiếp tục là các cơ sở pháp lý cơ bản để cộng đồng quốc tế hành động ứng phó với BĐKH. Các nước phát triển phải có nghĩa vụ đi tiên phong đưa ra các cam kết mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể giảm phát thải khí nhà kính trong trung hạn, dài hạn mang tính nghĩa vụ nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Các nước phát triển và các nước có lượng phát thải cao khí nhà kính phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển, hỗ trợ đặc biệt cho những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng, thông qua các cơ chế mới về tài chính, chuyển giao công nghệ, sử dụng Quỹ thích ứng và giúp đỡ các nước này tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH. Các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thông qua xây dựng và thực hiện các chương trình hành động giảm thiểu khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng quốc gia (NAMAs) trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Cộng đồng quốc tế cần có một tổ chức chung để điều phối việc ứng phó với BĐKH toàn cầu.

Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện ứng phó với BĐKH, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp gỡ một số tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.

Trước đó, ngày 16-12, Bộ trưởng Môi trường hơn 193 quốc gia tiếp tục phiên thảo luận thứ hai để gấp rút tìm tiếng nói chung ở bản thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto trong Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch. Cuộc thảo luận nằm trong khuôn khổ lễ khai mạc Hội nghị cấp cao để chuẩn bị cho phiên họp thông qua thỏa thuận mới vào ngày 18-12 tới.

Các nhà lãnh đạo châu Phi trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị Copenhagen.

Sự căng thẳng trong những phiên thảo luận diễn ra trước đó do bất đồng sâu sắc về cắt giảm khí thải và kinh phí hỗ trợ chống biến đổi khí hậu giữa các nước phát triển và đang phát triển đã làm dấy lên sự lo ngại về khả năng thành công của hội nghị lần này. Nước chủ nhà Đan Mạch thận trọng khi nhận định cơ hội đạt được thỏa thuận mới là 50/50, sau khi các nước công khai bày tỏ quan điểm về một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto giai đoạn 1, nhưng những vấn đề mấu chốt liên quan đến nội dung thỏa thuận vẫn chưa được giải quyết.

Sau 10 ngày đàm phán, hội nghị đã gần đi đến thỏa thuận về bảo vệ rừng, bao gồm các mục tiêu giảm nạn phá rừng và lập quỹ bảo tồn rừng. Chương trình này, mang tên Giảm khí thải do nạn phá rừng và suy thoái gây ra (REDD), sẽ được tài trợ bằng tiền thuế ở các nước giàu hoặc thông qua cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải.

Có một bất ngờ đã xảy ra trong ngày 16-12 khi Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch, bà Connie Hedegaard từ chức Chủ tịch Hội nghị biến đổi khí hậu. Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen sẽ thay bà Connie điều hành hội nghị trong vai trò Chủ tịch. Hiện chưa biết nguyên nhân chính dẫn đến quyết định từ chức của bà Connie.

Theo SGGP


Có thể bạn quan tâm