Thế giới đó đây

Các nước Đông Nam Á đón Tết Nguyên đán thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.
Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở một số quốc gia Châu Á. Ảnh: AFP

Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở một số quốc gia Châu Á. Ảnh: AFP

Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, nơi các kỳ nghỉ Tết thường kéo dài từ 3 đến 15 ngày. Dưới đây là cách tổ chức Tết Nguyên đán ở 5 nước Đông Nam Á, theo trang Culture Trip.

Philippines

Quận Binondo nhộn nhịp ở thủ đô Manila là khu phố người Hoa lâu đời nhất trên thế giới. Ngay cả trước khi được chính thức thành lập vào năm 1594, nhiều thế hệ người Hoa định cư đã sinh sống, gây dựng cơ nghiệp và nuôi nấng gia đình ở đây. Không có gì ngạc nhiên khi lễ đón năm mới lớn nhất ở Philippines được tổ chức tại khu phố lịch sử này.

Múa rồng ở Philippines dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: AFP

Múa rồng ở Philippines dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: AFP

Trong dịp Tết Nguyên đán, bầu không khí ở Binondo cực kỳ sôi động: Đám đông vây quanh những người múa lân, múa rồng, trong khi những chiếc xe xa hoa chở các chính trị gia địa phương và những người nổi tiếng đến phát kẹo hoặc đồ trang sức may mắn miễn phí.

Tiếng trống rộn ràng hòa lẫn tiếng pháo nổ vang. Người bán hàng dọc các con phố với những bàn đầy ắp thức ăn, đồ chơi bằng nhựa và bùa may mắn hứa hẹn sẽ mang lại sự thịnh vượng trong năm mới.

Malaysia

Với gần 1/4 dân số Malaysia là người gốc Hoa, Tết Nguyên đán ở đây rất hoành tráng và sôi động. Cùng với phong tục trang trí, múa rồng và họp mặt gia đình trong Tết kéo dài hai tuần, một thông lệ độc đáo diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội Chap Goh Mei (tiếng Phúc Kiến có nghĩa là đêm thứ 15 của Tết nguyên đán) dành riêng cho những cô nàng độc thân, còn được coi là ngày Valentine của người Malaysia gốc Hoa.

Sắm đồ trang trí Tết ở Malaysia. Ảnh: AFP

Sắm đồ trang trí Tết ở Malaysia. Ảnh: AFP

Tương truyền vào Tết nguyên tiêu (15.1 âm lịch), những cô gái chưa lập gia đình sẽ đến tham dự và ném những quả quýt có ghi ước nguyện của mình xuống biển. Các thiếu nữ ném quýt xuống biển với niềm tin nếu vớt được quýt sẽ lấy được tấm chồng tốt.

Vào ngày này, quýt được bày bán rộng rãi tại Penang Esplanade ở George Town. Nhiều người - bất kể tuổi tác, có hoặc chưa có người yêu - mua một quả để viết lên đó một điều ước, thậm chí tên và số điện thoại di động, rồi ném xuống biển. Đôi khi, các cuộc thi vớt quýt cũng được tổ chức.

Indonesia

Thành phố Singkawang trên đảo Borneo, nơi có 70% dân số là người gốc Hoa, được mệnh danh là “Khu người Hoa của Indonesia”.

Vào ngày 15 và ngày cuối cùng của Tết nguyên đán mà người Indonesia gọi là Imlek, Singkawang tổ chức lễ hội Cap Go Meh theo một trong những cách thú vị và độc đáo nhất có thể.

Lễ hội Cap Go Meh ở Indonesia. Ảnh: AFP

Lễ hội Cap Go Meh ở Indonesia. Ảnh: AFP

Hàng nghìn chiếc đèn lồng đỏ thắp sáng thành phố, lễ diễu hành Tatung là sự kết hợp văn hóa đáng kinh ngạc giữa người Hoa trong khu vực và người Dayak của Borneo. Tại lễ hội, các tín đồ diễu hành cùng các bức tượng của các vị thần và tổ tiên họ từ những ngôi đền thờ trên khắp thành phố.

Thái Lan

Thái Lan được cho là nước có dân số Hoa kiều lớn nhất thế giới, với tới 40% dân số có liên quan đến tổ tiên Trung Quốc. Ngay cả khi các cộng đồng người Hoa hòa nhập tốt vào xã hội Thái Lan, nhiều người tự nhận mình đơn giản là người Thái, thì văn hóa Trung Quốc vẫn được tôn vinh rộng rãi.

Tết Nguyên đán là một trong ba lễ mừng năm mới được tổ chức ở Thái Lan, rơi vào khoảng thời gian từ ngày 1.1 theo lịch Gregory và ngày Songkran (Tết Thái) vào ngày 13.4.

Khu phố người Hoa ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Khu phố người Hoa ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Bangkok tổ chức các lễ hội tại khu phố người Hoa Yaowarat đồ sộ, nơi một thành viên của hoàng gia Thái Lan, thường là một trong các công chúa, luôn xuất hiện và tham gia cuộc vui.

Các lễ hội lớn hơn cũng diễn ra ở tỉnh Nakhon Sawan. Tại huyện Pak Nam Pho, người dân tôn vinh các vị thần hộ mệnh của tỉnh như một phần của lễ đón Tết nguyên đán, tạo ra một lễ hội kéo dài 12 ngày được gọi là Tết Nguyên đán Pak Nam Pho.

Những ngày được chờ đợi nhất là những ngày cuối cùng, khi các đám rước ấn tượng để tôn vinh các linh hồn diễn ra dọc theo các đường phố chính của thành phố.

Một là cuộc diễu hành vào buổi tối với ánh sáng rực rỡ, những chiếc kiệu đầy màu sắc, những con rồng được chiếu sáng và những người biểu diễn trong trang phục cầu kỳ.

Sự kiện khác, được lên kế hoạch vào sáng hôm sau, là một đám rước đầy mê hoặc không kém của những người nhào lộn và vũ công, được cho là để làm hài lòng các vị thần và ban phước cho tỉnh. Nhiều buổi biểu diễn, trang trí lễ hội, chợ và sự kiện được tổ chức khắp thành phố, khiến Nakhon Sawan trở thành một trong những nơi thú vị nhất để chào đón năm mới.

Campuchia

Dân số gốc Hoa của Campuchia là một trong những dân số nhỏ hơn ở Đông Nam Á, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng dân số của đất nước. Mặc dù vẫn được tổ chức trên khắp đất nước, nhưng lễ đón Tết Nguyên đán của người Campuchia gốc Hoa ít có đám đông khổng lồ và các cuộc diễu hành xa hoa.

Múa lân, múa rồng ở Campuchia đón năm mới. Ảnh: Reuters

Múa lân, múa rồng ở Campuchia đón năm mới. Ảnh: Reuters

Người Campuchia gốc Hoa trang trí nhà cửa, họp mặt gia đình trong các bữa ăn truyền thống và thăm các ngôi đền dân gian của người Hoa để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Các lễ hội năm mới phổ biến hơn diễn ra vào giữa tháng 4 trong ba ngày mừng năm mới của người Khmer (địa phương gọi là Chol Chnam Thmay), đánh dấu sự kết thúc của mùa thu hoạch.

Theo Ngọc Vân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm