Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc chuyển các khoản thanh toán bằng đô la Mỹ sang euro sau khi Washington đe dọa nhắm mục tiêu vào các hãng châu Âu làm ăn với Iran.
Ảnh: AFP |
Theo Russia Today, biện pháp này có thể giúp EU bảo vệ một trong các thị trường lớn nhất thế giới, vốn mở cửa cho thương mại với Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Tehran cùng các cường quốc nhóm P5+1 (gồm Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức và Trung Quốc) hồi tháng 6-2015.
Ý tưởng loại bỏ vai trò của USD trong thanh toán quốc tế không mới. Ngoài EU, nhiều nước cũng cân nhắc thực thi việc này. Một số chuyên gia quốc tế đưa ra nhận định về động thái của các quốc gia.
Đơn cử, Chủ tịch Competence Finance, ông Alexandre Kateb, cho hay Iran là nước nỗ lực nhiều nhất để bỏ dùng USD. Hiện Tehran đã điều chỉnh một phần thương mại mà không dùng nội tệ Mỹ.
“Trước đây khi Iran chịu lệnh trừng phạt từ năm 2012 đến năm 2015, họ thiết lập nhiều cơ chế mới để bỏ qua các tổ chức tài chính liên quan đến Mỹ, chẳng hạn như việc hoán đổi, thay thế USD bằng các đồng tiền khác, như là nhân dân tệ trong giao dịch thương mại song phương với Trung Quốc, hoặc euro trong giao thương với các nước châu Âu”, ông Kateb nói.
Đồng thời, Trung Quốc gần đây cũng giao dịch dầu thô bằng nhân dân tệ và đây được xem là bước đầu thách thức sự thống trị của USD. Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối của OANDA ở châu Á - Thái Bình Dương cho hay nhiều thỏa thuận thương mại song phương được ký giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ được thực hiện bằng nhân dân tệ.
“Đại lục đang đặt nền tảng cho sáng kiến Vành đai, Con đường. Trung Quốc thậm chí còn lấy lòng các nước bằng cách cung cấp các cơ sở trao đổi cho họ, thúc đẩy sử dụng nhân dân tệ”, ông Innes nói thêm. Giới chuyên gia nhất trí với quan điểm rằng các hiệp định song phương, đa phương có thể trở thành động lực chính hướng đến việc giảm phụ thuộc vào USD trong thương mại quốc tế.
“Điều này sẽ phụ thuộc vào đòn bẩy mà EU, Anh, Nga và Trung Quốc triển khai. Kịch bản có thể xảy ra là các thỏa thuận đa phương, đa dạng hóa giữa các đối tác thương mại, hoặc các thỏa thuận khu vực thay thế cho các thỏa thuận đa phương hỗ trợ sự thống trị của USD”, chuyên gia Ramaa Vasudevan tại Khoa Kinh tế, Đại học bang Colorado (Mỹ) cho hay.
Các nhà phân tích cũng thừa nhận rằng bỏ dùng đô la Mỹ không phải chuyện dễ. USD mất gần một thập niên để soán ngôi bảng Anh, đồng tiền vốn chiếm ưu thế trong cả thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20 với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Ông Innes cho hay: “Các thói quen cũ thì khó thay đổi vì hầu hết các hoạt động bảo đảm toàn cầu vẫn được thực hiện trên các sàn giao dịch Mỹ như ICE hay Nymex”. Ông Kateb thì cho biết: “USD vẫn là đồng tiền được chọn làm dự trữ và giao thương quốc tế vì nhiều lý do. Toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế hiện được cấu trúc xung quanh Mỹ, xung quanh vai trò trung tâm của USD”.
Dù vậy các chuyên gia lưu ý rằng hệ thống quốc tế sẽ biến đổi đáng kể. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ blockchain cùng việc hình thành các đồng tiền thuật toán được cho là sẽ thay đổi nhiều thứ. Cuối cùng thì sự tiến hóa của hệ thống tài chính toàn cầu liên quan rất nhiều đến sự tiến hóa của sự cân bằng quyền lực quốc tế. Điều này không xảy ra chỉ sau một đêm, mà sẽ mất rất nhiều thời gian, cuộc khủng hoảng và thay đổi cân bằng. Chưa ai biết hệ thống mới sẽ trông ra sao.
Giới chuyên gia cũng đồng ý rằng việc đưa USD ra khỏi vị thế thống trị trong hệ thống tiền tệ toàn cầu sẽ tốn nhiều thời gian hơn việc chỉ đơn giản là thay thế nó bằng euro, hay các đồng tiền khác.
Ông Vasudevan nói: “Sự thống trị của USD không đơn giản phụ thuộc vào việc nó được dùng niêm yết giá trong giao thương, mà còn phụ thuộc vào vai trò của nó trong hệ thống tài chính quốc tế. Thực tế có khoảng 88% doanh thu trung bình hằng ngày của các công cụ ngoại hối được so với USD, trong khi tỷ lệ này của euro chỉ là 31%”.
Thu Thảo (thanhnien)